Anh L. (Bà Rịa-Vũng Tàu) đang cùng bạn chạy xe môtô vào quán nước thì bất ngờ có hai thanh niên trờ tới. Một người trong số đó nhảy xuống nắm cổ áo, vung rựa chém đứt đoạn cẳng tay... Ngay sau khi sự việc xảy ra, gia đình đã đưa anh L. đến trạm y tế xã sơ cứu. Trong lúc đó, người nhà vội vàng chạy mua một thùng nước đá rồi ngâm luôn khúc tay vào thùng nhằm bảo quản để nối lại đoạn chi. Sơ cứu xong, anh được chở đến Trung tâm Y tế huyện Châu Đức cùng với thùng đá chứa bàn tay. Tại đây, anh được chuyển về bệnh viện tỉnh rồi đến BV Chấn thương chỉnh hình. Khi nạn nhân tới được trung tâm, bác sĩ lắc đầu vì không thể cứu vãn được nữa.
Chị K., công nhân dệt của một khu công nghiệp ở Đồng Nai, bị máy dệt cắt đứt bàn tay phải trong lúc làm việc. Đồng nghiệp vội vàng ngâm bàn tay đứt lìa vào thùng nước đá và chuyển lên BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM. Mặc dù vẫn còn trong thời gian vàng nhưng bàn tay của chị không thể cứu chữa vì không được bảo quản đúng cách.
Các bác sĩ kể nhiều người còn nghĩ sữa tươi có nhiều chất dinh dưỡng và tiệt trùng nên ngâm đoạn chi đứt lìa vào đây để duy trì sự sống. Thậm chí có người còn ngậm ngón tay vào miệng để giữ ấm cho ngón tay. Những cách sơ cứu và bảo quản chi đứt lìa như trên đã góp phần làm cho chúng một đi không trở lại.
Theo bác sĩ Mai Trọng Tường, Trưởng khoa Vi phẫu tạo hình, BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, ngâm tay trực tiếp vào nước đá lạnh là cách sơ cứu sai lầm thường gặp nhất. Phần chi được ướp trực tiếp trong đá sẽ gây ra tình trạng phỏng lạnh. Các tế bào chỉ chịu được một độ lạnh nhất định, nếu để lâu, nước đá sẽ len vào kéo các chất trong tế bào ra khiến mạch máu co lại, các mô không gắn kết và tế bào sẽ chết. Mức độ sống còn của các tế bào quyết định có chỉ định phẫu thuật nối chi hay không.
Sữa tươi hay bất cứ chất nào khác đều mang một nồng độ sinh lý nhất định. Một khi nồng độ này không thích hợp với nồng độ tế bào cơ thể thì nó sẽ kéo các chất trong tế bào ra khỏi cơ thể và ngón tay sẽ chết dần. Ngoài ra, bệnh nhân và thân nhân cũng tuyệt đối không nên bọc phần chi đứt lìa vào những vật dơ bẩn vì như thế sẽ gây nhiễm trùng chi, bất lợi cho việc điều trị.
Ngoài bảo quản đúng cách, thời gian cũng đóng vai trò quan trọng. Thường những đoạn đứt lìa nhỏ như ngón tay, ngón chân thì thời gian vàng kéo dài từ 4 tiếng đến 12 tiếng. Phần đứt lìa càng lên cao, thời gian vàng càng giảm xuống, chỉ còn 3-8 tiếng. Bởi các mạch máu càng lớn thì tốc độ mất máu càng nhanh. Nếu không cầm máu kịp thời sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả phẫu thuật.
Hai cách tự cầm máu - Băng ép có trọng điểm: Vừa đủ để cầm máu đối với vết thương ngón tay, bàn tay, cẳng tay hay cẳng chân. - Garrot: Dành cho vết thương ở cao hơn như đùi hay cánh tay. Chỉ siết vừa phải để ngưng máu động mạch, tránh siết quá mạnh gây bầm dập mô. Khi garrot phải ghi ngày giờ trên dây và 30 phút phải xả một lần rồi xiết lại. Bốn bước bảo quản chi đứt lìa - Rửa sạch phần đứt lìa bằng nước muối hay nước chín để nguội. Cầm giữ phần chi nhẹ nhàng, không dùng kềm hay kẹp. - Bao bên ngoài phần đứt lìa bằng lớp gạc hay vải sạch, cho vào túi nylon sạch, cột chặt miệng túi, không cho nước vào. - Đặt túi nylon chứa chi đứt lìa vào giữa thùng hay túi lớn chứa nước đá xung quanh. Không để phần chi đứt lìa tiếp xúc trực tiếp với nước đá lạnh. - Đưa ngay bệnh nhân và phần chi đứt lìa đến bệnh viện. |
YÊN THẢO - SƠN KHÊ