Làm gì khi thấy cướp trước mắt?

Chiều 22-1, Cơ quan CSĐT Công an quận 3 (TP.HCM) đã bắt khẩn cấp năm đối tượng trong băng dàn cảnh đụng xe để cướp giật tài sản trên đường Bàn Cờ (quận 3) vào sáng 21-1.

Nạn nhân vụ cướp giật là ông Đỗ Đức Hải (Giám đốc điều hành một công ty vệ sĩ). Ông Hải đang chạy xe máy thì bị một nhóm người cúp đầu xe, thọc tay vào túi xách lấy tiền. Ông đuổi theo, chụp được tay một kẻ cướp và bị chúng kéo lê một đoạn. Những đối tượng khác nhào vào chửi bới, đạp ngã ông để giải vây cho đồng bọn. Lúc ấy có nhiều người chứng kiến nhưng không ai kịp có hành động nào ngăn chặn bọn cướp, hỗ trợ ông Hải.

Trên mạng hiện có nhiều quan điểm khác nhau “phán xét” thái độ của những người chứng kiến. Nhiều người cho rằng việc người dân chứng kiến nhưng không lập tức lao vào ngăn chặn, khống chế bọn cướp và giúp nạn nhân là hành vi thờ ơ, vô cảm. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng hành xử của người dân như thế cũng là điều dễ hiểu, bởi bọn cướp giờ rất manh động, chúng luôn chuẩn bị hung khí nguy hiểm và sẵn sàng điên cuồng tấn công những ai ngăn cản chúng.

Vậy người dân nên hành xử thế nào để vừa tự bảo vệ tính mạng mình, vừa giúp cơ quan chức năng nhanh chóng phá án?


Camera gắn phía trước một căn nhà nơi xảy ra vụ cướp giật đã ghi lại toàn bộ sự việc. Trong ảnh là cảnh bọn cướp kéo lê nạn nhân Đỗ Đức Hải. (Ảnh cắt ra từ clip của người dân)

Luật sư ĐẶNG THÀNH TRÍ, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Người dân không bị buộc phải bắt cướp

Người dân có quyền lựa chọn việc tham gia bắt cướp hay không tùy thuộc vào khả năng, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mỗi người.

Tuy nhiên, trong trường hợp quyết định tham gia bắt cướp thì nên lưu ý một số vấn đề sau: Chỉ được sử dụng vũ lực trong trường hợp thật cần thiết và phải trong giới hạn phòng vệ chính đáng. Tuyệt đối không được đánh đập sau khi đã khống chế được cướp và nhanh chóng thông báo hoặc dẫn giải tội phạm đến cơ quan có thẩm quyền (công an, ủy ban) gần nhất.

Nói chung, phải tùy theo tình hình thực tế mà chúng ta có những hành xử tương xứng. Thấy chúng tay không hoặc ít người thì hãy xô ngã, tri hô để ngăn cản. Còn ngược lại thì cố gắng nhận dạng hung thủ để cung cấp thông tin cho công an truy bắt. Cần khéo léo quay phim, chụp ảnh làm bằng chứng.

Hành vi cướp giật thường diễn ra bất ngờ, quyết liệt khiến người chứng kiến phản xạ theo bản năng theo hướng làm sao để mình được an toàn là trên hết, sau đó mới nghĩ đến tinh thần nghĩa hiệp.

Với tình trạng cướp giật lộng hành hiện nay, sự hạn chế trong quản lý nhà nước, xử lý tội phạm khiến việc liều mình bắt cướp dễ trở nên đơn độc và gặp nguy hiểm...

Anh NGUYỄN HỮU LÝ, phường Thạnh Xuân,  quận 12 TP.HCM:

Thấy quá nguy hiểm thì không tham gia 

Tùy vào tình huống mà tôi có thể giúp đỡ người khi đang gặp cướp hay không. Nếu thấy bọn cướp trên hai người, có vũ khí thì tôi sẽ bình thường mà đi tiếp. Sở dĩ tôi đi không phải vì tôi vô cảm thấy người gặp nạn không cứu mà nếu tôi đuổi theo sẽ rất nguy hiểm, lỡ không may chúng cùng đường quay lại xử tôi luôn thì sao. Và lúc đó dù tôi có lấy lại được tài sản cho người khác mà mất đi tính mạng của mình thì gia đình tôi sẽ thế nào. Nên tôi nghĩ chuyện bắt cướp đã có công an lo.

Chị NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNH, phường Phú Thạnh, Tân Phú, TP.HCM:

Ghi lại hình ảnh của tên cướp

Làm gì khi thấy cướp trước mắt? ảnh 4
 
Nếu gặp cướp giật giữa đường thì tôi chắc chắn không có khả năng để ra tay ngăn chặn.

Tuy nhiên, tôi sẽ nhanh chóng dùng điện thoại quay lại hình ảnh, biển số xe của tên cướp (nếu được) rồi trình báo công an để sớm tìm ra thủ phạm, lấy lại tài sản cho người gặp nạn. Đồng thời, tôi sẽ khuyên người đó coi như của đi thay người, còn người thì còn của.

Anh TRẦN VI AN, Tân Bình, TP.HCM:

Nhờ mọi người giúp sức

Ca dao Việt Nam có câu “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Bọn cướp rất manh động và hung tợn, nếu một người hay vài người chưa chắc đã khống chế được bọn chúng. Vì thế, khi gặp bọn chúng thì nên nhờ sự giúp sức của nhiều người. Cách tốt nhất là tri hô mọi người xung quanh cùng đuổi theo. Sau đó gọi ngay cho 113 thông báo địa điểm và hướng mà bọn chúng đang bỏ chạy.

Bàng hoàng chuyện cướp quay lại trả thù

Hẳn nhiều người chưa quên vụ cướp quay lại trả thù người dân ở phường 13, quận Tân Bình (TP.HCM) hồi năm 2008.

Tối 2-4-2008, sau một cuộc nhậu, Đặng Quốc Đạt cùng đồng bọn đến trước nhà số 622/12 Cộng Hòa, phường 13, Tân Bình giật chiếc điện thoại của một người đi đường. Nhóm của Đạt bị người dân dùng ghế và xe đạp quăng ra đường làm vật cản. Cùng lúc đó, nhiều người khác tri hô đuổi theo. Tuy nhiên, chúng vẫn nhanh chóng tẩu thoát.

Khoảng 22 giờ cùng ngày, nhóm Đạt tìm đến nhà một số người đã tri hô, ngăn cản bọn chúng để trả thù bằng cách nhào vô chém xối xả. Sau đó công an đã khoanh vùng, truy bắt bọn này. Đạt đã bị tuyên án tử hình, còn các bị cáo khác nhận mức án 8-24 năm tù.

Cuộc truy sát trên đã diễn ra gần tám năm nhưng khi nhắc đến, bà Nguyễn Ngọc T., một người dân sống gần đây, vẫn còn bàng hoàng. Bà T. kể: “Ai đã từng chứng kiến cuộc truy sát của đêm hôm ấy chắc sẽ bị ám ảnh suốt đời. Bản thân tôi vẫn không tin đó là sự thật. Nó giống trong phim hành động vậy. Bọn chúng ra tay rất nhanh, rất tàn nhẫn. Giờ mà tôi nghe tới hai từ cướp giật là tôi muốn chạy thật nhanh để tránh họa”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm