Hơn 6.000 người nhập viện vì đánh nhau:

Làm sao để dân không còn tự xử?

“Dịp tết mà có hơn 6.000 người đánh nhau nhập viện là quá khủng khiếp”. “Phải làm sao cho mỗi người tin tưởng, tuân thủ pháp luật, tránh sự manh động để xã hội yên bình…”. Nhiều ý kiến bạn đọc cũng như các chuyên gia trong ngành tội phạm học đã đề xuất các giải pháp để hạn chế tình trạng bạo lực xảy ra trong dịp tết vừa qua.

Thiếu niềm tin pháp luật nên tự hành xử

Các vụ ẩu đả trong dịp tết chủ yếu tập trung ở người trẻ. Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ tâm lý bột phát của họ cộng với kiến thức cùng ý thức chấp hành pháp luật chưa đầy đủ. Hành vi phạm tội luôn ẩn chứa, chực chờ trong mỗi con người, khi có điều kiện là xuất hiện.

Những ngày tết, nhiều người trẻ lạm dụng rượu bia, chất kích thích nên chỉ cần một xích mích nhỏ là họ cự cãi đánh nhau bởi đó là lúc người ta điều khiển hành vi kém nhất. Ngoài ra về ý thức, họ chưa coi việc nhờ cơ quan bảo vệ pháp luật là một cách giải quyết hữu hiệu cho mâu thuẫn mà có xu hướng tự mình giải quyết. Theo tôi, muốn hạn chế tình trạng này thì phải kết hợp nhiều giải pháp từ việc giáo dục trong gia đình, trường học đến siết chặt các hoạt động về quản lý nhà nước để làm sao mỗi người khi có việc gì là nghĩ đến việc nhờ cơ quan công quyền giải quyết chứ không tự xử.

Giảng viên NGUYỄN ĐÌNH THẮM, khoa Tội phạm học
và Điều tra tội phạm (Phân hiệu Trường Đào tạo,
Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM)

Một nạn nhân bị chấn thương vùng đầu trong vụ ẩu đả đang điều trị tại BV Chợ Rẫy TP.HCM (ảnh chụp lúc 9 giờ ngày 24-2). Ảnh: TRẦN NGỌC

 Phải học cách nhường nhịn

Bia, rượu chỉ là nguyên nhân gián tiếp ảnh hưởng đến hành vi ứng xử của mỗi người. Nguyên nhân căn bản của hành vi ứng xử kém, thiếu kiềm chế xuất phát từ nền tảng giáo dục của bản thân. Nền tảng đó là văn hóa ứng xử: nhường nhịn nhau, tôn trọng mọi người, cư xử đúng mực… Văn hóa ứng xử đó phải được giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội cùng với tự rèn luyện bản thân.

Do vậy, mỗi gia đình cần nêu gương, rèn luyện cho từng thành viên gia đình lối sống lành mạnh, kính trên nhường dưới, lễ phép, tôn trọng mọi người, cách kiềm chế giải quyết mâu thuẫn. Nhà trường và xã hội cần giáo dục cho từng cá nhân cách ứng xử với những người xung quanh, nêu gương lối sống đẹp, nhân cách lớn, cần rèn luyện kỹ năng kiềm chế nóng giận, đối thoại, giải quyết mâu thuẫn đúng đắn chứ không phải cách sử dụng vũ lực… Mặt khác, tự bản thân của mỗi cá nhân cũng phải rèn luyện lối ứng xử có văn hóa, hòa nhã với mọi người.

Các cơ quan, đoàn thể, chính quyền cũng như cơ quan truyền thông cũng cần tăng cường tuyên truyền lối sống lành mạnh, văn hóa ứng xử đúng đắn giữa mọi người trong xã hội.

Thượng tá NGUYỄN SỸ QUANG, Chánh văn phòng
Công an TP.HCM

Cha mẹ cần làm gương tốt

Con số hơn 6.000 người vào bệnh viện vì bạo lực, đứng trên góc độ tâm lý là đáng báo động. Sở dĩ xảy ra tình trạng bạo lực như vậy, theo tôi là xã hội hiện đang có sự khủng hoảng về hệ giá trị của con người. Bạo lực là bản năng ai sinh ra cũng có, khi lớn lên con người muốn thoát khỏi bạo lực thì con người phải biết hướng tới giá trị chân thiện mỹ nhưng xã hội ngày nay cái giá trị ấy ngày càng nghèo. Cũng chính vì thế con người mới bám vào giá trị bản năng của mình là bạo lực, bạo hành.

Ở con người, nếu đạt được năm cung bậc thì bạo lực sẽ không thể tồn tại. Bậc một, ý thức cảm xúc; bậc hai, kiềm chế cảm xúc; bậc thứ ba, điều khiển cảm xúc; bậc thứ tư, đọc được cảm xúc của người khác và cuối cùng là thay đổi được cảm xúc của người khác. Do đó, theo tôi trước tiên để giảm thiểu tình trạng bạo lực trong xã hội thì cái cốt lõi là được giáo dục từ phía gia đình. Cha mẹ phải ý thức, vai trò làm gương đối xử với nhau như thế nào cho có văn hóa, làm giá trị sống cho con cái.

Chuyên gia tâm lý TRẦN HỮU ĐỨC

Đừng ép nhau uống tới bến

Trực tiếp điều trị nhiều nạn nhân bị thương tích do đánh nhau, tôi ghi nhận không chỉ nam giới mà ngay cả phụ nữ và trẻ em cũng bị ảnh hưởng bởi rượu, bia. Không ai phản đối ngày xuân mọi người nâng ly uống ngụm rượu, bia để không khí thêm thân mật. Nhưng uống đến mức say xỉn, ói mửa là hành động không nên vì vừa hại sức khỏe vừa khó kiềm chế dễ dẫn đến những hành vi đáng tiếc.

Theo tôi, để hạn chế thực trạng ẩu đả dẫn đến những hậu quả đau lòng, gia chủ không nên ép khách “uống tới bến”. Khách đến nhà người quen cũng nên hạn chế tửu lượng và mạnh dạn khước từ nếu không thể uống được nhiều. Cha mẹ cũng nên để mắt đến con cái vì các em thích tập tành học làm người lớn. Một trong những “tiêu chuẩn” chứng minh ta đã lớn là phải biết uống rượu, bia. Vì vậy các em dễ bị ảnh hưởng bởi thứ nước lên men, có cồn.

TS-BS NGUYỄN ĐÌNH PHÚ, Phó Giám đốc
BV Nhân dân 115 (TP.HCM)

Một số vụ ẩu đả trong dịp tết

Hành hung bảo vệ bệnh viện. Ngày 24-2 (mùng 6 tết), khi bị bảo vệ BV Đa khoa Quảng Ngãi ngăn cản không cho vào thăm bệnh trong giờ hành chính, một số người thân của bệnh nhân A. đã đánh hai nhân viên bảo vệ bệnh viện. Trước đó, ngày 22-2 (mùng 4 tết), một nhân viên bảo vệ của bệnh viện này cũng bị người nhà bệnh nhân đánh bị thương.

Anh em đánh nhau vì bị chê. Chiều tối 23-2 (mùng 5 tết), anh chị em tụ tập tại nhà ông TMH (ngụ TP.HCM) dự buổi tân niên. Rượu vào lời ra nên ông H. phàn nàn người em trai thiếu quan tâm mẹ. Người em uống nhiều, không kiềm chế được nên xô ông ngã, đầu đập xuống đất khiến ông bị choáng phải đi cấp cứu.

Đâm chết người vì một câu nói. Ngày 22-2 (mùng 4 tết), đang chạy xe trên đường, nghe tiếng nói với theo “đi đâu đó mấy thằng nhóc?” của một nhóm nhậu, Tuấn và Cường (Tiền Giang) đã về nhà lấy dao ra đâm chết người. Trước đó cả hai cũng đã uống rượu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm