Làm sao để nhận nuôi bé bị bỏ rơi có lời nhắn đặc biệt?

Theo ông Trần Tuấn Kiệt, Chủ tịch UBND phường Xuân Hòa, xã Long Khánh, Đồng Nai, cho biết từ khi phát hiện bé trai bị bỏ rơi tại công viên thì có rất nhiều người đến hỏi nhận nuôi bé. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa thấy người nào đến xưng là cha, mẹ bé đến nhận lại con. Hiện phường đã giao bé cho người phát hiện bé đầu tiên chăm sóc.

"Thời điểm này, phường sẽ phát thông báo để xem có ai là người thân đến nhận lại bé không. Quá thời gian quy định mà không ai đến nhận thì phường sẽ làm các thủ tục để giao cho người muốn nhận bé làm con nuôi tiếp tục nuôi dưỡng bé" - ông Kiệt cho biết thêm.

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 28-8 có đăng tin về bé trai bị bỏ rơi kèm lời nhắn: "Con anh đó anh Hưng". Theo đó, người dân phát hiện ở công viên thuộc phường Xuân Hòa, thị xã Long Khánh, Đồng Nai có một bé trai khoảng một tháng tuổi được quấn trong chiếc khăn xanh và áo khoác tím bị ai đó bỏ rơi. Bên cạnh bé là một túi xách sọc carô màu đỏ. Bên trong túi đựng quần áo, sữa, bịch bỉm và tờ giấy viết dòng chữ: "Con anh đó anh Hưng".

Với những thông tin trên, nhiều bạn đọc cũng gửi thắc mắc đến báo hỏi nếu người nào muốn nhận nuôi bé bị bỏ rơi thì cần làm thủ tục như thế nào?

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Theo Điều 14 Nghị định 123/2015 quy định: Người phát hiện trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và thông báo ngay cho UBND hoặc công an cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi. Trường hợp trẻ bị bỏ rơi tại cơ sở y tế thì thủ trưởng cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo.

Ngay sau khi nhận được thông báo, chủ tịch UBND cấp xã hoặc trưởng công an cấp xã có trách nhiệm tổ chức lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi. UBND cấp xã có trách nhiệm giao trẻ cho cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng theo quy định pháp luật.

Biên bản phải ghi rõ thời gian, địa điểm phát hiện trẻ bị bỏ rơi; đặc điểm nhận dạng như giới tính, thể trạng, tình trạng sức khỏe; tài sản hoặc đồ vật khác của trẻ (nếu có); họ, tên, giấy tờ chứng minh nhân thân, nơi cư trú của người phát hiện trẻ bị bỏ rơi. Biên bản phải được người lập, người phát hiện trẻ bị bỏ rơi, người làm chứng (nếu có) ký tên và đóng dấu xác nhận của cơ quan lập.

Biên bản được lập thành hai bản, một bản lưu tại cơ quan lập, một bản giao cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ.

Sau khi lập biên bản thì UBND cấp xã tiến hành niêm yết tại trụ sở UBND trong bảy ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi.

Hết thời hạn niêm yết, nếu không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, UBND cấp xã thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ. Cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em theo quy định.

Người nào muốn nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi thì phải hoàn tất thủ tục quy định Luật Nuôi con nuôi tại UBND cấp xã.

Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; có tư cách đạo đức tốt.

Bé trai bị bỏ rơi kèm lời nhắn: "Con anh đó anh Hưng".

Hồ sơ của người nhận con nuôi gồm có: Đơn xin nhận con nuôi; bản sao hộ chiếu, CMND hoặc giấy tờ có giá trị thay thế; phiếu lý lịch tư pháp; văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân; giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do UBND cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp...

Khi xét thấy người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định thì UBND cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch trong thời hạn 20 ngày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm