Tiêu chuẩn Cử nhân hoặc Kỹ sư Vật lý tài năng
Trong suốt khóa học không có môn nào phải thi lại và đạt điểm thi trung bình từ 8 điểm trở lên.
Để đảm bảo đạt được tiêu chuẩn đó, nhà trường tuyển chọn vào năm thứ nhất hệ tài năng các học sinh tốt nghiệp THPT trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh với điểm thi từ 21 điểm trở lên, tuyển chọn vào năm thứ hai hệ tài năng các sinh viên năm thứ nhất không có môn nào phải thi lại và đạt điểm thi trung bình 7 điểm trở lên, tuyển chọn vào năm thứ ba hệ tài năng sinh viên năm thứ hai không có môn nào phải thi lại trong cả 2 năm và đạt điểm thi trung bình 7 điểm trở lên.
Các sinh viên không được tuyển chọn vào hệ tài năng tiếp tục học bình thường theo chương trình chuẩn của trường.
Hệ đào tạo Cử nhân và Kỹ sư Vật lý tài năng được đào tạo nhằm mục tiêu phát huy tiềm năng giỏi vật lý của tuổi trẻ Việt Nam, rèn luyện những học sinh yêu thích vật lý và giỏi vật lý trở thành những nhà vật lý trẻ tuổi tài năng để tiếp nối sự nghiệp của thế hệ những nhà vật lý tài năng Việt Nam đã trưởng thành và sẽ nghỉ hưu trong 10 năm tới.
Đảm bảo chất lượng đào tạo
Những cử nhân và kỹ sư Vật lý tài năng được trường và hai viện liên kết đào tạo sau khi tốt nghiệp đại học trước hết sẽ được tuyển dụng ngay vào làm nghiên cứu khoa học trong một số viện chuyên ngành thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam: Viện Khoa học Vật liệu, Viện Vật lý, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới, Viện Công nghệ Vũ trụ, Viện Vật lý TPHCM, Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nha Trang và tiếp tục được đào tạo để trở thành Thạc sĩ rồi Tiến sĩ ở trong nước hoặc ở nước ngoài bằng học bổng của Chính phủ hoặc của nước ngoài.
Phòng thí nghiệm Công nghệ Nanô Đại học Quốc gia TPHCM và Trung tâm Nghiên cứu Triển khai khu Công nghệ cao TPHCM với các hệ thống thiết bị hiện đại và đồng bộ trị giá hàng trăm tỷ đồng đang và sẽ tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng các cử nhân và kỹ sư Vật lý tài năng.
Trong đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường có 29% Giáo sư, 19% Phó Giáo sư, 33% Tiến sĩ và 19% Thạc sĩ, một số Giáo sư, Phó Giáo sư và Tiến sĩ nguyên là các nhà khoa học chủ chốt của hai Viện mới về hưu, trong đó một người đã được Giải thưởng Lê Nin năm 1986 và Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1995 về Khoa học và Kỹ thuật, một người đã được 3 Giải thưởng VIFOTECH (giải ba, giải nhì, giải nhất) và hai người được Giải thưởng Nhà nước năm 2005 về Khoa học và Công nghệ. Nhiều nhà khoa học chủ chốt của hai Viện được hai Viện cử tham gia giảng dạy và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học.
Theo quy định chung của Trường đại học Hữu Nghị, năm đầu tiên học sinh trúng tuyển với điểm thi từ 24 điểm trở lên được miễn học phí, học sinh trúng tuyển với điểm thi từ 21 đến sát 24 điểm nộp học phí 180 ngàn đồng/tháng, năm thứ hai sinh viên năm thứ nhất không có môn nào phải thi lại và có điểm thi trung bình từ 8 điểm trở lên được miễn học phí, có điểm thi trung bình từ 7 đến sát 8 điểm nộp học phí 180 ngàn đồng/tháng; từ năm thứ ba trở đi sinh viên năm thứ hai không có môn nào phải thi lại trong cả 2 năm và có điểm thi trung bình từ 8 điểm trở lên được miễn học phí, có điểm thi trung bình từ 7 đến sát 8 điểm nộp học phí 180 ngàn đồng/ tháng.
Các sinh viên giỏi và các sinh viên gia đình nghèo được cấp học bổng từ Quỹ học bổng của Trường. Mỗi năm hiệu trưởng nộp toàn bộ số tiền lương 260 triệu đồng vào Quỹ học bổng đó. 10 sinh viên giỏi nhất hàng năm được nhận học bổng Vallet. Năm 2011 một học bổng Vallet trị giá 9 triệu đồng.
Theo Dân Trí