Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng xem xét quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 85/2015.
Theo đó, điều khoản này quy định về buồng tắm tại cơ sở lao động với nội dung: Người sử dụng lao động bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ Y tế.
Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng quy định như trên là không cần thiết, không khả thi.
Lý do những công việc văn phòng, công nghiệp nhẹ,… lao động nữ không cần phải đi tắm. Bố trí buồng tắm trong khi người lao động không sử dụng sẽ gây lãng phí cho doanh nghiệp.
Mặt khác, tiêu chuẩn trên cũng không rõ ràng vì đối với doanh nghiệp sử dụng trên 600 lao động không biết bố trí bao nhiêu buồng tắm là đủ.
Do vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kiến nghị: “Quy định rõ đối tượng áp dụng của nghĩa vụ về đảm bảo buồng tắm là các cơ sở có sử dụng lao động hoạt động trong các lĩnh vực đặc thù. Đối với các ngành khác thì tùy thuộc vào điều kiện của doanh nghiệp và nhu cầu của cán bộ công nhân”.
Phải có ít nhất 1 bác sỹ
Liên quan đến Điều 37 Nghị định 39/2016 quy định về tổ chức bộ phận y tế với nội dung: Cơ sở sản xuất, kinh doanh có từ 300 đến 500 người phải có ít nhất một bác sĩ và một nhân viên để thực hiện các hoạt động y tế có trình độ trung cấp.
Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh có trên 1.000 người lao động phải tổ chức bộ phận y tế có một bác sĩ; người làm công tác y tế ở cơ sở phải có chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động.
Theo quy định, cơ sở sản xuất, kinh doanh có từ 300 đến 500 người phải có ít nhất một bác sĩ và một nhân viên để thực hiện các hoạt động y tế có trình độ trung cấp. Ảnh minh họa
Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nêu quan điểm: “Quy định về việc phải có bác sĩ là phức tạp vì cơ bản bộ phận y tế tại doanh nghiệp chỉ thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu và chỉ thực hiện sơ cứu. Trường hợp nặng thì chuyển lên bệnh viện để kịp thời điều trị. Tất cả người lao động đã tham gia BHYT để được chăm sóc sức khỏe từ cấp cơ sở đến cấp trung ương”.
Bên cạnh đó, với công ty có trên 300 người thì phải có một bác sĩ, một nhân viên chăm sóc sức khỏe thường trực, hoặc ký hợp đồng với cơ sở y tế gần nhất nhưng cơ bản chỉ có thể thực hiện được chăm sóc sức khỏe ban đầu và sơ cứu tại công ty, còn lại là không phù hợp với tình hình thực tế. Như vậy sẽ làm tăng gánh nặng chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
Do vậy, hiệp hội trên kiến nghị: Chính phủ nên xác định yêu cầu về số nhân viên y tế sao cho phù hợp với từng lĩnh vực công việc và quy mô công ty và loại bỏ yêu cầu cầu phải có bác sĩ hay nhân viên chăm sóc y tế tại cơ sở.
Đồng thời, bỏ quy định tại khoản 3 do quy định thêm chứng chỉ chuyên môn về y tế lao động là không cần thiết phức tạp, khó thực thiện do y tế lao động vẫn nằm trong y tế đa khoa nói chung.