Lao động tự do gặp khó khăn được hỗ trợ 50 nghìn đồng/người/ngày

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1-7, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã trao đổi thông tin nội dung nổi bật của Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Nghị quyết vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành chiều cùng ngày.

Bộ trưởng Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: VGP

Theo ông Đào Ngọc Dung, mục tiêu của Nghị quyết 68 tập trung vào hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động…

Nghị quyết 68 quy định 12 chính sách hỗ trợ người lao động khó khăn, trong đó có hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.

Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.

Ông Đào Ngọc Dung cho hay chỉ đạo của Bộ Chính trị cũng như Chính phủ trong phiên họp chiều nay đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải chăm lo các đối tượng lao động tự do. “Đây là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng sâu, trực tiếp nhưng cũng là đối tượng khó có thể triển khai nhất”- ông Dung nói.

Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH, thực tiễn việc triển khai các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42 vừa qua gặp rất nhiều khó khăn. “Có những bác tổ trưởng dân phố nói chúng tôi phải đi tới 8,9 lần, đến khảo sát, đánh giá rồi mới hỗ trợ được. Bởi lao động tự do di chuyển thường xuyên, nay ở đây mai ở chỗ khác; rồi phải lấy xác nhận giữa nơi ở với nơi cư trú”- ông Dung cho biết và khẳng định nếu Chính phủ ban hành chính sách và đứng ra hỗ trợ ngân sách cho nhóm này là “khó khả thi”.

“Chính phủ thống nhất có chủ trương hỗ trợ nhóm này nhưng giao toàn quyền cho địa phương căn cứ vào điều kiện của mình, khả năng ngân sách để chủ động xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, xác định mức tiền…”- ông Dung nói và khẳng định chủ trương này nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của TP.HCM, Hà Nội cũng như một số đơn vị có đông lực lượng lao động tự do.

“Về ngân sách hỗ trợ cho lao động tự do này do các địa phương cân đối nguồn thu của mình và dự phòng”- ông Dung nói thêm.

Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin tổng số chính sách hỗ trợ từ khi xuất hiện COVID-19 là 160.000 tỷ đồng. Chính sách từ Nghị quyết 42 đã có 14,4 triệu người được thụ hưởng, với số tiền là 39.000 tỉ đồng, trong đó riêng ngân sách nhà nước hỗ trợ 13.000 tỉ đồng. 

Ông Dung cho biết gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng lần này không thực hiện song song với gói 62.000 tỉ đồng trước đây, do gói hỗ trợ theo Nghị định 42 là gói ngắn hạn và hết hạn từ 31-12-2020. Số tiền còn lại theo quy định được chuyển sang sử dụng vào việc khác. 

Về thủ tục để được nhận hỗ trợ, Bộ trưởng Dung khẳng định sẽ tinh giản tối đa các thủ tục, điều kiện để thông thoáng nhất, tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động. 

“Chúng tôi đưa ra quy định khi cán bộ nhận hồ sơ 2-3 ngày là phải xử lý ngay, nếu hồ sơ không đạt thì phải trả lời ngay với người lao động, sử dụng lao động”- ông Dung nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới