Trong tiềm thức của nhiều người Việt, Tết là dịp để mọi người sum họp, quây quần bên gia đình. Bất cứ nơi đâu, không khí tất bật những ngày cuối năm luôn làm những người con xa quê cảm thấy nô nức, mong ngóng ngày trở về đón cái Tết đầm ấm, hạnh phúc bên gia đình.
Tuy nhiên, Tết là dịp không phải ai cũng có cơ hội về nhà, đặc biệt là với những người đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Nhiều người trong số họ đã hai, ba thậm chí bốn năm liên tiếp đón Tết ở xứ người.
Lời hứa…năm sau con về!
Gia Lâm (22 tuổi, Đồng Tháp) hiện là thực tập sinh tại một công ty sản xuất nhựa ô tô thuộc tỉnh Hyogo (Nhật Bản). Lâm cho biết, trong kí ức của Lâm cái Tết gần nhất được quây quần ăn cơm, làm bánh mứt bên gia đình là vào hai năm trước.
Năm 2020, khi đã hoàn thành chương trình phổ thông và cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp, Lâm gác lại giấc mơ đại học và bắt đầu học tiếng Nhật với mong ước trở thành lao động xuất khẩu sang Nhật, kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Tháng 4-2022, khi dịch Covid-19 đã không còn hoành hành, sau nhiều lần dời lịch bay, Lâm đã chính thức sang Nhật Bản làm lao động.
Lâm chia sẻ, lý do lớn nhất khiến bản thân chọn rời xa gia đình hai năm liên tiếp là vì: “Số tiền làm trong một tháng bên đây, có khi bằng cha mẹ tại Việt Nam làm lụng gần nửa năm”. Không riêng Lâm, với nhiều bạn trẻ đang xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thì đây cũng chính là lý do các bạn chọn ở lại đón Tết ở xứ người.
Những ngày cuối tháng một tại Hyogo (Nhật Bản), 6 giờ 30 sáng, trong cái lạnh dưới 5 độ, Lâm thức dậy như mọi hôm để chuẩn bị cho ca làm vào lúc 8 giờ 30. Công ty Lâm nằm trên một ngọn núi nhỏ, cách nhà trọ tầm 15 phút đạp xe. Đường lên chỗ làm khá dốc, những ngày tuyết rơi, đường trơn trượt, Lâm nhiều lần phải cuốc bộ vì ngã xe.
Hai tuần trước, Lâm nhấc máy gọi về cho gia đình. Ở đầu dây bên kia, chị Tuyền (48 tuổi, Đồng Tháp) nghe giọng con gái: “Alo… Mẹ ơi!... Tết năm sau con về nha mẹ! Mẹ và em ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe”. Lâm nói dứt câu, hai đầu dây bỗng trở nên im ắng. Một lúc sau, chị Tuyền đáp lại: “Ừ!.. Con nhớ giữ sức khỏe”.
Cũng như Lâm, đây đã là cái Tết thứ tư Thảo Ngân (26 tuổi, Đồng Tháp) đón Tết ở xứ người. Trước khi sang Nhật, Thảo Ngân từng có hơn một năm làm công nhân cho một xí nghiệp may tại Bình Dương.
Thời còn làm công nhân, có hôm Thảo Ngân phải tăng ca liên tục từ 10-12 tiếng, tiền lương nhận được mỗi tháng sau khi trừ tiền ăn, tiền thuê trọ không đủ để lo cho các em ở quê ăn học. Nghe thông tin một số người có con trong xóm đi xuất khẩu, một tháng lương có khi gấp 3, 4 lần tại Việt Nam. Vì các em và vì muốn cha mẹ ở quê bớt gánh nặng, Thảo Ngân quyết tâm học tiếng và đi xuất khẩu nước ngoài.
Thảo Ngân hiện đang làm thực tập sinh cho một công ty cơ khí tại thành phố Hiroshima (Nhật Bản). Nhớ lại những ngày đầu sang Nhật, Thảo Ngân ngậm ngùi: “Có hôm ngoài trời tuyết trắng xóa, nhiệt độ dưới 0 độ C, tuy đã mặc nhiều lớp quần áo nhưng vẫn lạnh cứng người, không cử động được, chỉ khi làm lâu mới quen dần với thời tiết và công việc.”
Chia sẻ về lý do đã bốn năm đón Tết ở xứ người, Thảo Ngân cho biết hiện tại ở Nhật Bản, người dân chỉ đón Tết dương lịch, không có Tết âm lịch như ở Việt Nam, nên vào những ngày đó, người lao động vẫn phải đi làm. Hơn nữa, vé máy bay từ Nhật Bản về Việt Nam dịp Tết đắt hơn rất nhiều so với ngày thường nên Ngân dự định sẽ về trong thời gian khác.
“Nhà thì ai cũng nhớ, nhưng nghĩ đến các em vẫn còn tuổi ăn tuổi học, gia đình lại bộn bề khó khăn, nên mình cố gắng làm được chừng nào hay chừng đó. Hơn nữa về quê bây giờ rất khó kiếm được công việc có thu nhập như hiện tại” – Ngân chia sẻ.
Chọn ở lại xứ người vì một cái Tết lớn hơn
Không riêng Gia Lâm hay Thảo Ngân, tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc hiện đang có rất nhiều du học sinh hay lao động xuất khẩu Việt Nam chọn đón Tết ở xứ người.
Không có gia đình bên cạnh, không có bánh mứt mẹ làm, không có cành đào hay cành mai cha trưng ngày Tết. Thế nhưng với tinh thần đoàn kết, tương thân nhiều người Việt Nam xuất khẩu tại các nước này luôn biết cách vun đắp và tạo ra những cái Tết sum họp, đủ đầy bên nhau.
Với Gia Lâm, Tết năm trước, sau khi tan làm tại công ty, Lâm và một số bạn bè người Việt tụ họp lại với nhau, làm các món ăn như thịt kho tàu, canh khổ qua, dưa cải, một số loại mứt kẹo… sau đó cùng ăn và cùng trò chuyện đón năm mới.
Với kinh nghiệm đón Tết ở xứ người, Lâm cho biết bản thân đã học được cách làm nhiều món ăn Việt hơn, nên Lâm dự định năm nay sẽ tiếp tục rủ các bạn về trọ nấu ăn và đón giao thừa như những năm trước. Không có gia đình, nhưng không khí sum họp, quây quần bên bàn ăn sẽ làm những đứa con “tha hương” như Lâm cảm thấy đỡ nhớ nhà.
Còn với Thảo Ngân, Tết mọi năm cũng như ngày thường, Ngân phải dậy từ rất sớm để đi làm và về nhà khi chiều muộn. Năm nay, Ngân dự định sẽ xin nghỉ sớm một ngày trước Tết để đến các siêu thị mua quần áo, thuốc bổ gửi về Việt Nam cho cha mẹ và các em.
Trong ngày Tết, sau khi tan làm, Ngân và các bạn người Việt dự định sẽ đến siêu thị mua các nguyên liệu để gói bánh chưng, bánh tét, sau đó đốt lửa và ngồi quây quần bên nhau đón năm mới.
Những đứa con bất đắc dĩ như Gia Lâm, Thảo Ngân chọn đón Tết xa nhà trong nhiều năm luôn canh cánh ước mơ được ăn những món ăn mẹ nấu, được cùng cha dọn dẹp, trang trí nhà cửa đón Tết. Hơn hết là được cùng gia đình quây quần bên bàn ăn, bếp lửa đón giao thừa, kể nhau nghe những câu chuyện vui buồn trong năm cũ.
Chưa bao giờ, những đứa con như Gia Lâm, Thảo Ngân thôi nghĩ về gia đình, trong suy nghĩ của họ chỉ cần bản thân cố gắng thêm một chút, những cái Tết tiếp theo gia đình sẽ đón Tết thật đầy đủ và đầm ấm hơn.