Tết của những người bất đắc dĩ phải xa nhà…

(PLO)-  Với những người con xa quê hương, Tết có lẽ là thời gian họ mong đợi nhất sau cả năm vất vả mưu sinh nơi đất khách quê người.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn có những người công nhân, lao động dù nhớ quay quắt bữa cơm sum họp cuối năm bên gia đình nhưng vẫn không thể trở về bởi nhiều lý do...

"Thèm" có Tết trọn vẹn!

Sống trong một khu trọ tại quận 12, anh Hoàng Trung Kiên (47 tuổi, hiện đang làm công nhân ở một công ty tư nhân tại TP.HCM) cho biết, đã gần 5 năm, anh chưa có điều kiện để về quê đón Tết trọn vẹn cùng gia đình.

Dù không được đón Tết ở quê nhà nhưng anh Hoàng Trung Kiên vẫn tỉ mỉ trang trí căn trọ của mình một ít hoa mai, hoa đào để tăng thêm không khí vui tươi. Ảnh: TÚ NGÂN
Dù không được đón Tết ở quê nhà nhưng anh Hoàng Trung Kiên vẫn tỉ mỉ trang trí căn trọ của mình một ít hoa mai, hoa đào để tăng thêm không khí vui tươi. Ảnh: TÚ NGÂN

Trước đó, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xe cộ đi lại khó khăn nên gia đình của anh không thể về quê. Tưởng chừng như sang đến năm 2022, mọi thứ ổn định hơn. Thế nhưng, công việc của anh ngày càng khó khăn khi công ty cắt giảm lao động do hết đơn hàng. Anh phải nghỉ việc từ đầu tháng 12 năm ngoái. Dù đã tìm được công việc mới tại một công ty tư nhân nhưng anh chỉ mới làm được 3 tuần, phải nghỉ Tết. Do đó, năm nay, anh không có tiền thưởng, không dư giả nhiều.

Cùng với chi phí về quê cao, mức thu nhập ít ỏi của hai vợ chồng làm nghề công nhân cũng khiến anh Kiên e ngại khi về quê.

Kinh tế cũng khó khăn, hai vợ chồng làm cả năm chỉ đủ chi trả tiền trọ, chăm lo cho con nhỏ nên lại đành đón Tết xa nhà thêm một năm nữa. Vì mưu sinh phải đi làm ăn xa, không có nhiều thời gian ở bên cha mẹ, được dịp Tết để về đoàn tụ, biết bố mẹ mong mình cũng chạnh lòng nhưng đành chịu vậy” - anh Kiên trải lòng.

Em Hoàng Minh Hiếu (14 tuổi) phụ giúp cha mẹ những việc lặt vặt để sửa soạn cúng giao thừa. Ảnh: TÚ NGÂN

Em Hoàng Minh Hiếu (14 tuổi) phụ giúp cha mẹ những việc lặt vặt để sửa soạn cúng giao thừa. Ảnh: TÚ NGÂN

“Dù những ngày Tết, người thân ở xa nhà có thể liên lạc với nhau bằng Zalo, Viber để hỏi thăm sức khoẻ nhưng vẫn không bằng về quê sum vầy bên gia đình” - anh Kiên bày tỏ và mong muốn được sớm trở về và đón một mùa Tết đoàn viên tại miền Bắc với tiết trời se se lạnh.

Không chỉ riêng anh Kiên, mà còn nhiều người lao động xa quê cảm thấy lo lắng, áp lực mỗi khi năm mới đến. Có rất nhiều hoàn cảnh phải chi tiêu dè dặt từng bữa nên không dám nghĩ đến việc mua sắm gì cho năm mới, không dám nghĩ tới việc về quê.

Tết xa nhà cái gì cũng có, chỉ thiếu gia đình

Dù đã xác định tâm lý từ trước nhưng khi nhìn hàng xóm xách vali, đồ đạc ra xe về quê với gia đình và người thân, chị Lê Thị Toán (quê ở Thanh Hoá, hiện đang làm việc tại một công ty ở quận 12) vẫn cảm thấy chạnh lòng trong đêm 30 Tết.

Là năm đầu tiên đón Tết xa nhà, chị Toán cho biết: “Năm ngoái, do tình hình kinh tế khó khăn, mức thu nhập tại công ty cũ bị ảnh hưởng nên tôi chuyển sang tìm một công việc mới. Hiện tại, tôi qua công ty mới được hai tháng. Tuy nhiên, chi phí về quê cao, cộng thêm thu nhập chưa ổn định nên tôi quyết định năm nay ăn Tết ở TP.HCM”.

Tuy ăn Tết xa nhà nhưng trong ngày 30 Tết, chị Toán vẫn cố gắng sắm sửa tươm tất mâm ngũ quả, cành mai, bánh mứt để căn phòng có thêm không khí ấm áp của mùa xuân về.

Lễ vật cúng Tết trong căn trọ nhỏ được chị Lê Thị Toán chuẩn bị chu đáo. Ảnh: TÚ NGÂN

Lễ vật cúng Tết trong căn trọ nhỏ được chị Lê Thị Toán chuẩn bị chu đáo. Ảnh: TÚ NGÂN

“Dù đón Tết ở nơi xa, có đầy đủ như thế nào thì vẫn thiếu một điều quan trọng nhất của Tết là không khí sum vầy bên gia đình” - chị Toán nghẹn ngào.

Theo chị Toán, đây là một năm khó khăn chung của nhiều ngành nghề, chứ không phải riêng mỗi người lao động, công nhân ở các công ty, khu công nghiệp.

Tại khu trọ của chị, năm nay cũng có nhiều gia đình không về quê ăn Tết. Để vơi bớt nỗi nhớ nhà cho người lao động xa quê, chủ nhà trọ của chị Toán tại quận 12 đã tổ chức một buổi tiệc tất niên, tạo nên không khí thân thuộc, ấm cúng giống như đón Tết bên gia đình và bạn bè.

Sẻ chia với người lao động đón Tết xa quê

Không về quê đón Tết là sự lựa chọn khó khăn của nhiều con người lao động tha hương kiếm sống. Từng đi lên bởi đôi bàn tay trắng nên ông Nguyễn Thành Tâm, chủ khu trọ (phường Thạnh Lộc, quận 12) đã bắt tay tổ chức nhiều hoạt động tiệc nhằm tạo thêm niềm vui cho công nhân, người lao động ở lại vui Xuân đón Tết.

Cụ thể, vào ngày 7-1 vừa qua (nhằm 16 tháng Chạp) ông Tâm quyết định tổ chức tất niên cho cả khu trọ với tổng chi phí hơn 100 triệu đồng.

Được biết, đây là năm thứ 17 ông Tâm tổ chức tiệc tất niên cho anh em công nhân, người lao động đang thuê trọ

Bên cạnh đó, người thuê trọ còn được tặng một phần quà gồm các nhu yếu phẩm để dùng Tết gồm nước ngọt, nước mắm, hạt nêm, dầu ăn…

Ông Nguyễn Thành Tâm, chủ khu trọ mang quà Tết đến tặng cho những người lao động không trở về quê và gửi lời chúc mừng năm mới đến mọi người. Ảnh: TÚ NGÂN

Ông Nguyễn Thành Tâm, chủ khu trọ mang quà Tết đến tặng cho những người lao động không trở về quê và gửi lời chúc mừng năm mới đến mọi người. Ảnh: TÚ NGÂN

Ông Tâm cho biết thêm: “Dự kiến vào sáng ngày mùng 2 Tết, tôi sẽ phối hợp cùng với Liên đoàn lao động TP.HCM tổ chức một buổi tiệc với 12 bàn tiệc cho những người lao động đón Tết xa nhà, cũng như không có điều kiện kinh tế về quê sum vầy cùng gia đình."

“Buổi tiệc tất niên vừa qua và buổi tiệc vào mùng 2 Tết sắp tới như là một món quà tri ân đến những công nhân, người lao động đã tin tưởng chọn dãy trọ của tôi làm nơi "an cư lạc nghiệp". Tôi vô cùng hạnh phúc và sẽ cố gắng để năm sau làm được nhiều điều tốt hơn cho mọi người” - ông Tâm bộc bạch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm