Bộ NN&PTNT vừa có công văn gửi các tỉnh, thành phố nghiêm cấm việc lập chốt kiểm dịch trái quy định gây khó khăn cho người nuôi heo. Đồng thời hạn chế việc dừng xe kiểm tra trừ phi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Không kiểm tra chặt, nguy cơ lây dịch bệnh rất cao
Ông Phan Ngọc Châu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Long An, cho hay: “Chỉ những xe chở gia súc, gia cầm có giấy chứng nhận kiểm dịch mới chủ động ghé vào các chốt kiểm dịch để phúc kiểm. Trong khi đó những xe chở heo, gà trái phép tìm cách né chốt kiểm dịch. Do vậy việc lập chốt kiểm dịch (nếu có) sẽ tăng hiệu quả hoạt động kiểm dịch gia súc, gia cầm chứ không ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của người nuôi heo”.
Cũng theo ông Châu, việc lập hay không lập chốt kiểm dịch không ảnh hưởng giá heo hơi. Bởi chốt kiểm dịch trong tỉnh chỉ phúc kiểm gia súc, gia cầm từ tỉnh khác đưa vào căn cứ trên giấy chứng nhận kiểm dịch và hoàn toàn không thu phí.
Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết Chi cục Thú y TP.HCM đang đề xuất lập các chốt kiểm dịch lưu động trên các tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhằm mục đích kiểm tra heo, gà... không nguồn gốc, nhiễm bệnh vận chuyển lén lút vào TP. Chi cục cũng không thu bất kỳ loại phí nào.
Công nhân đang bơm nước vào miệng heo tại một cơ sở ở huyện Bến Cát, Bình Dương. Ảnh: Đỗ Trường
Ông Nguyên nhận định: “Nếu không lập chốt kiểm dịch lưu động trên các tuyến cao tốc, nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm từ các tỉnh vào TP.HCM rất cao. Khi đó đàn gia súc, gia cầm của TP bị ảnh hưởng rất lớn. Bên cạnh đó, nguy cơ truyền bệnh từ gia súc, gia cầm sang người cũng có khả năng xảy ra”.
Ông Nguyên cũng cho biết các trạm kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn TP đều nằm trong quy hoạch của Bộ NN&PTNT và do UBND TP.HCM đề xuất. Các trạm này có nhiệm vụ kiểm tra động vật và sản phẩm động vật từ các tỉnh đưa vào TP để ngăn chặn dịch bệnh. Các trạm này hoàn toàn không thu phí khi kiểm tra.
Đối với các chốt kiểm dịch, những chốt này chỉ được UBND tỉnh, TP cho phép lập tạm thời khi trên địa bàn tỉnh, thành phố có dịch bệnh gia súc, gia cầm. Các chốt này cũng không thu bất kỳ loại phí nào. Khi hết dịch bệnh gia súc, gia cầm thì giải thể chốt tạm này.
Không cấm lập chốt lưu động
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ NN&PTNT, khẳng định các cơ quan liên quan, đặc biệt là địa phương cần mạnh tay xử lý các hành vi không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cần thiết đề nghị công an vào cuộc xử lý nghiêm.
Theo ông Dũng, các địa phương có thể lập các chốt lưu động, kiểm soát đối với gia súc, gia cầm căn cứ vào tình hình dịch bệnh của từng địa phương hoặc xét thấy có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người. Do đó, TP.HCM vẫn có thể phối hợp với cơ quan chức năng lập chốt lưu động để tiến hành dừng xe, kiểm tra xử lý heo bơm nước tuồn vào TP...
Việc dừng xe thuộc thẩm quyền CSGT, cơ quan thanh tra không thể can thiệp được. Do đó, muốn dừng xe có dấu hiệu vi phạm về an toàn thực phẩm, trong đó có việc bơm nước vào heo, thanh tra cần phối hợp với CSGT để xử lý.
“Tôi khẳng định việc dừng xe để kiểm tra không có khó khăn gì cho người chăn nuôi heo. Vấn đề là khi họ bán qua khâu trung gian, heo lại bị tiêm thuốc an thần, bơm nước. Như vậy là quá nguy hiểm cho người tiêu dùng, xã hội cần lên án để loại bỏ những sản phẩm không đảm bảo chất lượng” - ông Dũng khẳng định.
Cùng công an vào cuộc xử lý Hiện nay Thanh tra Bộ đang phối hợp với cơ quan công an theo dõi đường dây buôn bán heo gian lận. Nếu vụ việc có dấu hiệu hình sự thì sẽ khởi tố. Cách hạn chế việc “heo bơm nước” là phát hiện tại chỗ, tận gốc và xử lý tại chỗ. Việc dừng xe để kiểm tra chỉ là một phần mà thôi. Địa phương, quản lý thị trường, công an cần phải vào cuộc trấn áp mạnh mẽ nếu không thì thanh tra chuyên ngành cũng gặp khó khăn. Ông PHẠM TIẾN DŨNG, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ NN&PTNT |