Lập hợp đồng cho vay không rõ ràng, nhiều người mất cả vốn lẫn lời

(PLO)- Nhiều nội dung ghi trong hợp đồng cho vay không rõ ràng, khi đưa vụ việc ra công an thì không đủ cơ sở để xác định có yếu tố phạm tội là gian dối hoặc chiếm đoạt.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thượng tá Võ Anh Tú, phó trưởng phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết đơn vị đã tiếp nhận, đang xử lý đơn của 12 hộ dân tố cáo một cán bộ ngân hàng mượn hơn 28 tỉ đồng rồi không trả.

hợp đồng cho vay.png
Thượng tá Võ Anh Tú, phó trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk chia sẻ với PV về nội dung đơn của 12 hộ dân. Ảnh: TD

Vay mượn hứa trả lãi suất cao

Trong đơn gửi báo Pháp Luật TP.HCM, bà NTH (ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết do chỗ quen biết, lại thấy bà ĐTAĐ (34 tuổi) giữ chức vụ của một chi nhánh ngân hàng ở phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, nên bà đã cho bà Đ vay 2,7 tỉ đồng. Mục đích là để cho bà Đ đáo hạn ngân hàng. Bà Đ cam kết trả trong thời hạn từ 5 đến 15 ngày và được lập hợp đồng cho vay.

Cùng với bà H, còn có 11 hộ dân khác (ngụ ở TP Buôn Ma Thuột, huyện Cư Kuin) cũng cho bà Đ vay với tổng số tiền hơn 25 tỉ đồng cũng với hình thức tương tự.

“Đến thời hạn trả, bà Đ không thực hiện theo đúng cam kết, không trả nợ. Khi liên hệ đến ngân hàng, thì được biết bà Đ đã xin nghỉ việc nên chúng tôi đã làm đơn tố cáo đến cơ quan công an” – bà H kể.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Võ Anh Tú cho biết, tháng 2-2023, sau khi tiếp nhận đơn của công dân đơn vị đã cử người xác minh, làm rõ vụ việc. Quá trình điều tra, có bốn người đồng ý rút đơn, để các bên tự thỏa thuận; họ cam kết không tiếp tục tố cáo bà Đ, không khiếu nại đến cơ quan chức năng nào khác. Bốn hộ khác được Cơ quan CSĐT hướng dẫn khởi kiện ra tòa.

“Đối với đơn thư của 4 hộ dân còn lại với số tiền cho vay 6,1 tỉ đồng, nội dung đơn có tình tiết mới. Hiện nay phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk đang kiểm tra, xác minh, thu thập tài liệu để đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật” – Thượng tá Võ Anh Tú thông tin.

Ngoài ra, hiện tại tám hộ dân trên tiếp tục làm đơn tố cáo bà Đ. Nhận thấy những hộ này đã rút đơn và đã được hướng dẫn khởi kiện dân sự. Nội dung đơn không có tình tiết mới, nên phòng cảnh sát hình sự đã lưu đơn.

Nhiều hợp đồng cho vay mượn không rõ ràng

Thông tin thêm, Phó trưởng phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Đắk Lắk cho hay, hằng năm đơn vị tiếp nhận hàng trăm nội dung, đơn thư tương tự. Đây cũng là một áp lực rất lớn với cơ quan điều tra nhưng việc xử lý vẫn được thực hiện đúng theo trình tự, đảm bảo đúng quy định.

Để phòng ngừa vấn đề này, thời gian qua, Công an tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện phát tờ rơi, gửi các thông tin tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, báo chí đăng tải, thậm chí làm việc với các công ty viễn thông gửi trực tiếp tin nhắn đến cho từng người dân để cảnh giác các vấn nạn lừa đảo sử dụng công nghệ cao, các vụ việc vay mượn tiền…

“Tội lừa đảo và tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định ở Bộ luật Hình sự là rõ ràng, chặt chẽ. Tuy nhiên, quy định nêu rõ, phải đủ yếu tố mới cấu thành tội được. Ví dụ tội lừa đảo bắt buộc phải có hai yếu tố là gian dối, hai là chiếm đoạt. Như đơn tố cáo của 12 hộ dân nêu trên thì phải đáp ứng được các yếu tố cấu thành mới xử lý hình sự được” - Thượng tá Võ Anh Tú nói.

Vẫn theo Thượng tá Võ Anh Tú, pháp luật cho phép người dân tham gia giao dịch cho vay theo thỏa thuận. Tuy nhiên, lãi suất quy định ở mức độ nhất định, không được vượt quá 20%/năm được quy định tại 468 Bộ luật Dân sự. Nếu quá quy định thì bị xử lý hình sự vì cho vay lãi nặng.

“Chúng tôi khuyến cáo người dân cẩn trọng. Trước khi giao dịch cần thiết phải tìm hiểu kĩ. Cũng như ngân hàng, muốn vay được tiền, thì cần phải có tài sản đảm bảo. Cho vay những mấy chục tỉ mà bên vay không có tài sản nào đảm bảo, thì việc này rủi ro rất lớn. Đồng thời, các nội dung trong hợp đồng cho vay mượn phải thể hiện rõ thời gian trả.

Có nhiều việc, công an tiếp nhận rất đau lòng, là người dân cho vay mấy chục tỉ đồng. Thế nhưng trong giấy vay, hợp đồng cho vay không ghi rõ thời gian trả, không có tài sản đảm bảo. Khi khởi kiện ra tòa, tòa cũng không thụ lý. Bởi vì điều kiện, chứng cứ không đảm bảo. Đối với cơ quan điều tra thì căn cứ vào yếu tố chiếm đoạt lại không có, thì không thể xử lý được.

Chúng tôi mong muốn để người dân hiểu rõ, cẩn trọng, căn cứ đầy đủ pháp lý, thời hạn vay, tài sản thế chấp là gì, ghi đầy đủ tất cả các nội dung trong hợp đồng cho vay mượn để có sự ràng buộc với các bên” – Thượng tá Võ Anh Tú nói.

Đã nghỉ việc ở ngân hàng

Theo bà H, nguyên nhân bà và những hộ khác rút đơn là do bà Đ dẫn theo mẹ lần lượt đến nhà hứa hẹn, cam kết trả toàn bộ số tiền đã mượn, nhưng với điều kiện phải rút đơn tố giác.

“Vì tin tưởng và cũng tạo cơ hội cho bà Đ, nên chúng tôi mới rút đơn tố giác. Tuy nhiên, sau đó cả hai mẹ con Đ không thực hiện trả nợ. Chúng tôi cố gắng liên lạc cho mẹ con bà Đ bằng mọi cách từ nhắn tin, gọi điện và đến nhà gặp trực tiếp nhưng không được” – bà H bức xúc.

Còn đại diện lãnh đạo ngân hàng trên xác nhận, bà Đ từng công tác tại ngân hàng này. Việc bà Đ vay mượn tiền của các hộ dân, đơn vị không nắm. Bà Đ đã làm đơn xin nghỉ việc được ngân hàng duyệt vào tháng 2-2023. Trước thời điểm nghỉ việc, bà Đ là giám đốc quan hệ khách hàng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm