Lắp ráp xong 'quái vật' đào hầm đường sắt Nhổn - ga Hà Nội

Bộ phận cuối cùng của máy đào hầm vừa được lắp ráp xong là khiên đào. Đây cũng là bộ phận chính để đào đất đá làm tuyến đường hầm, được vẽ họa tiết cờ đỏ sao vàng nổi bật có đường kính 6,55 m, nặng 63,3 tấn.

Khiên đào gồm các bộ phận chính như đầu cắt, lưỡi cào, dụng cụ xới và các răng gàu xúc… được “thửa” để phù hợp tối ưu với địa chất của Hà Nội.

Khiên đào có họa tiết cờ đỏ sao vàng của quái vật đào hầm mang tên "Thần tốc" đang được các chuyên gia lắp ráp vào thân máy đào hầm.

Hệ thống cẩu đang di chuyển khiên đào xuống hầm để lắp ráp máy.

Riêng bộ phận khiên đào có trọng lượng lên tới hơn 63 tấn, đang được cẩu xuống hầm

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn ga Hà Nội có chiều dài hơn 12 km, trong đó tuyến đi trên cao dài 8 km, tuyến đường hầm dài hơn 4 km. Để đào tuyến đường hầm dài hơn 4 km, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội sẽ cho vận hành 2 máy đào hoạt động đồng thời. Máy đào được lắp đặt trong ngày hôm nay được đặt tên là “Thần tốc”.

Dự kiến trong tuần sau, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội sẽ bắt đầu vận chuyển máy đào thứ 2 có tên là “Táo bạo” về Hà Nội.

Hệ thống máy đào hầm tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội tại hầm ga S9 (đầu phố Kim Mã)

“Thần tốc” là máy đào hầm metro đầu tiêu của Thủ đô. Máy được thiết kế riêng cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn - ga Hà Nội), được một đơn vị của nước Đức sản xuất, có chiều dài hơn 100 m, nặng khoảng 860 tấn.

Bộ phận đầu của máy đào hầm

Ông Lê Trung Hiếu - Phó Trưởng ban Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, cho biết đến đêm nay sẽ lắp ráp xong khiên đào vào buồng cân bằng áp lực để hoàn thiện toàn bộ máy đào. Sau Tết dương lịch, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội sẽ cho vận hành thử máy đào trong vòng 45 ngày để căn chỉnh các thiết bị.

Các chuyên gia, công nhân kỹ thuật đang lắp ráp khiên đào vào hệ thống máy đào hầm

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, máy đào hoạt động trên nguyên lý cân bằng áp lực đất. Phía sau khiên đào được bố trí một vách ngăn kín. Đất từ khiên đào sẽ rơi vào khoang kín và tạo ra sự cân bằng áp lực giữa đất đào và đất chưa đào, làm cho gương đào ổn định và không sạt lở.

Ông Lê Trung Hiếu - Phó Trưởng ban Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, cho hay quá trình đào, khiên đào có thể phá được bê tông, đá “mồ côi”, còn nếu gặp bê tông cốt thép thì phải sử dụng các biện pháp kỹ thuật đặc biệt để xử lý.

Sau khi máy đào được căn chỉnh xong, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội sẽ đưa “quái vật” nặng 850 tấn này vào vận hành chính thức. Ông Lê Trung Hiếu cho biết, mỗi ngày máy đào được khoảng 10 m đường hầm. Như vậy, trong hơn 1 năm sẽ đào hết 4 km đường hầm đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới