Lầu Năm Góc công bố chi tiêu mới

Lầu Năm Góc công bố chi tiêu mới ảnh 1

Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta (trái) và Đại tướng Tham mưu trưởng lục quân Martin E. Dempsey trong cuộc họp báo công bố dự thảo ngân sách quốc phòng. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Tăng đầu tư quân sự cho châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông.

Tiêu điểm

487

tỉ USD sẽ được cắt giảm trong ngân sách quốc phòng Mỹ trong thời hạn 10 năm và trong đó, từ nay đến năm 2017 phải cắt giảm 259 tỉ USD.

Dự thảo ngân sách tài khóa năm 2013 gồm mức căn bản 525 tỉ USD và 88,4 tỉ USD cho cuộc chiến Afghanistan, tức tổng cộng 613,4 tỉ USD.

Nhìn chung, so với tài khóa trước, dự thảo ngân sách tài khóa mới giảm khoảng 9%. Từ ngày nước Mỹ bị tấn công khủng bố (ngày 11-9-2001), đây là lần đầu tiên Lầu Năm Góc đưa ra mức ngân sách năm nay thấp hơn năm trước.

Về phần tăng đầu tư, Lầu Năm Góc sẽ tập trung cho lực lượng đặc nhiệm, vệ tinh, máy bay không người lái và các công nghệ trinh sát khác để thu thập thông tin tình báo.

Dự thảo ngân sách đã cụ thể hóa học thuyết quân sự mới được Tổng thống Obama công bố hồi đầu tháng. Đó là giảm quân số bộ binh trong 10 năm, tăng cường quân lực ở châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông, ưu tiên cho không quân và hải quân.

Về bộ binh, dự kiến trong năm năm quân chính quy từ 565.000 quân sẽ giảm còn 490.000 quân (giảm 13%). 2/4 lữ đoàn quân chiến đấu đồn trú ở châu Âu sẽ hồi hương hoặc giải ngũ.

90.000 quân Mỹ vẫn tiếp tục triển khai ở Afghanistan và số quân được cắt giảm chủ yếu là số quân rút khỏi Afghanistan vào năm 2014. Khi quân số giảm, số căn cứ quân sự cũng sẽ giảm tương ứng.
Bộ trưởng Leon Panetta giải thích theo luật định, Tổng thống Obama sẽ phải yêu cầu Quốc hội lập ra một ủy ban để xác định căn cứ quân sự nào cần phải đóng cửa.

Về hải quân, lực lượng lính thủy đánh bộ sẽ giảm từ 201.000 quân còn 182.000 quân.

Hãng tin AFP ghi nhận sau khi cắt giảm, quân số bộ binh Mỹ vẫn còn nhiều hơn so với thời điểm năm 2001.

Về không quân, Lầu Năm Góc sẽ tăng cường sử dụng máy bay không người lái. 6/60 phi đội (khoảng 120 máy bay) sẽ được cắt giảm. Các tàu chiến cũ sẽ ngừng làm nhiệm vụ.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc vẫn duy trì ngân sách dành cho 11 tàu sân bay và chương trình chế tạo máy bay ném bom tàng hình tầm xa để dễ dàng can thiệp ở châu Á và Trung Đông.

Chương trình mua máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của hãng Lockheed Martin vẫn giữ vai trò chủ yếu trong ngân sách nhưng một phần hợp đồng sẽ được hoãn lại.

Lầu Năm Góc đã đưa ra chương trình tham vọng về “căn cứ nổi tiền tiêu”. Đây là thế hệ tàu đáy bằng lớn dùng làm nơi triển khai máy bay không người lái, trực thăng, lực lượng đặc nhiệm hoặc làm bệnh viện, kho đạn.
Trong các mục chi tiêu hàng đầu ở nước ngoài, ngân sách quốc phòng Mỹ dành 88,4 tỉ USD cho Afghanistan (tài khóa trước là 115 tỉ USD).

Dự thảo ngân sách quốc phòng được công bố trong bối cảnh bất đồng ý kiến về ngân sách an ninh quốc gia giữa chính quyền của Tổng thống Obama và Quốc hội do đảng Cộng hòa cầm đầu vào thời điểm Mỹ đang bị thâm thủng ngân sách nghiêm trọng.

Trả lời hãng tin AP, một số quan chức Mỹ giấu tên khẳng định Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đã chấp thuận đề nghị của Đô đốc Bill McRaven, chỉ huy trưởng các chiến dịch đặc biệt Mỹ, là chuyển quân rút từ các vùng chiến sự sang lực lượng đặc nhiệm chống Al Qaeda trên toàn cầu. Mục đích nhằm đơn phương tổ chức đánh nhanh, gọn như phi vụ tiêu diệt trùm Bin Laden, đồng thời phối hợp với quân đội nước ngoài tiến hành các chiến dịch đặc biệt tương tự.

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm