Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) được thành lập năm 2002. Tòa giữ vai trò truy tố các tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, tội diệt chủng và tội xâm lược trong trường hợp các quốc gia thành viên không muốn hoặc không thể tự mình truy tố.
Tòa án có trụ sở tại The Hague, Hà Lan. ICC có quyền truy tố các tội do công dân của các quốc gia thành viên gây ra hoặc do các chủ thể khác gây ra trên lãnh thổ của các quốc gia thành viên. ICC hiện có 123 nước thành viên.
Tòa nhà Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague, Hà Lan. Ảnh: REUTERS |
Quy trình thực hiện lệnh bắt giữ
ICC có thẩm quyền bắt giữ đối với những cá nhân mà tổ chức này cho rằng “phạm tội nghiêm trọng” và “gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế”. Các tội này bao gồm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, diệt chủng, xâm lược.
Trên cơ sở điều tra, các công tố viên có quyền yêu cầu ICC ban hành lệnh bắt giữ. Theo Quy chế Rome, sau khi xem xét, các thẩm phán của ICC sẽ ban hành lệnh bắt giữ nếu thấy cần thiết. Theo đó, lệnh bắt giữ nhằm đảm bảo người đó có thể xuất hiện trước tòa xét xử, không để người đó cản trở quá trình điều tra, tố tụng của tòa án hoặc nhằm ngăn người đó tiếp tục phạm tội.
Năm 2016, nhóm công tác phụ trách việc bắt giữ của ICC được thành lập. Hàng năm, ICC phải báo cáo cho Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về việc thi hành các lệnh bắt giữ. Tuy nhiên, ICC cũng thừa nhận gặp nhiều thách thức trong quá trình bắt giữ, chủ yếu là vì tổ chức này không có cơ chế tự mình thực thi lệnh bắt giữ và do sự thiếu hợp tác của các bên có liên quan.
Theo quy định của ICC, việc thực hiện các lệnh bắt giữ được giao cho các quốc gia thành viên. Theo đó, những nước thành viên sẽ đảm nhiệm các giai đoạn: theo dõi nơi ở, di chuyển, hoạt động của nghi phạm; hỗ trợ qua kênh ngoại giao; hỗ trợ hậu cần…
Phòng xử án của Tòa án Hình sự Quốc tế. Ảnh: GETTY IMAGES |
Các quốc gia không phải là thành viên của ICC không có nghĩa vụ thi hành lệnh bắt nhưng các nước này được khuyến khích hỗ trợ ICC bắt giữ nghi phạm. ICC cho biết trên thực tế, nhiều quốc gia không phải là thành viên của tổ chức này đã hỗ trợ tích cực trong quá trình bắt giữ một số nghi phạm trước đây.
Tuy nhiên, khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu, các nước thành viên Liên Hợp Quốc có nghĩa vụ hỗ trợ bắt giữ nghi phạm của ICC, bất kể họ có phải là thành viên của tổ chức này hay không.
Khó khăn trong thực thi lệnh bắt giữ nguyên thủ quốc gia
Theo tờ The Guardian, mặc dù ICC không công nhận quyền miễn trừ đối với các nguyên thủ quốc gia trong các vụ án liên quan tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người hoặc tội diệt chủng, nhưng từ trước đến nay, việc bắt giữ những người giữ cương vị trên không phải là điều dễ dàng. Tình trạng này tồn tại trước khi ICC ra đời.
Điển hình, năm 2015, Nam Phi (một thành viên của ICC) đã từ chối thi hành lệnh bắt giữ ông Omar al-Bashir - tổng thống Sudan khi đó. Nam Phi lập luận rằng nước này thấy "không có nghĩa vụ tuân theo luật pháp quốc tế và Quy chế Rome trong việc bắt giữ một nguyên thủ quốc gia như ông Omar al-Bashir”.
Một loạt quốc gia thành viên khác của ICC như Chad, Djibouti, Jordan, Kenya, Malawi, Uganda cũng không tuân thủ lệnh bắt ông Omar al-Bashir khi ông có chuyến thăm đến các nước này.
Năm 1998, cựu Tổng thống Chile Augusto Pinochet bị bắt giữ ở London (Anh) theo lệnh bắt quốc tế được thẩm phán Tây Ban Nha Baltasar Garzón ban hành. Ông Pinochet bị cáo buộc đã có những hành vi vi phạm nhân quyền ở Chile, Argentina và có hành vi tàn bạo đối với công dân Tây Ban Nha trong thời gian nắm quyền ở Chile.
Khi ấy, ông Pinochet tuyên bố ông có quyền miễn trừ với tư cách là cựu nguyên thủ quốc gia của Chile, nhưng yêu cầu này đã bị tòa án Anh bác bỏ. Tuy nhiên, sau đó, Bộ trưởng Nội vụ Anh Jack Straw đã cho phép ông Pinochet trở về nhà với lý do sức khỏe kém.
Cựu Tổng thống Sudan Omar al-Bashir. Ảnh: REUTERS |
Trước việc ICC ngày 17-3 phát lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và bà Maria Alekseyevna Lvova-Belova - ủy viên quyền trẻ em của Nga, phía Moscow cũng có những phản ứng mạnh mẽ.
Ông Dmitry Peskov - phát ngôn viên Điện Kremlin - chỉ trích động thái của ICC là “thái quá”, nhấn mạnh rằng mọi quyết định của tòa án này là vô hiệu đối với Nga.
“Chúng tôi coi lập luận này là rất thái quá và không thể chấp nhận được. Nga, giống như nhiều quốc gia khác, không công nhận thẩm quyền của tòa án này. Theo đó, Liên bang Nga cho rằng những tuyên bố của ICC đều vô hiệu về mặt pháp lý” - ông Peskov nói.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh: “Từ quan điểm pháp lý, các quyết định của ICC không có ý nghĩa gì đối với Nga. Nga không phải là một bên ký vào Quy chế Rome của ICC và không có nghĩa vụ tuân theo quy chế này”.