Với dòng chữ Nga còn nguyên trên thân tàu, hai chiếc Mistral mà Pháp đã “lỡ hẹn” với Nga được dự kiến sẽ bán lại cho các khách hàng tiềm năng khác. Ông Martinez đặt ra câu hỏi khá thú vị: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu khách hàng đó bán lại cho Nga với giá hời?”
Tuy nhiên, tình hình trên thực tế lại khá phức tạp. Tổng thống Pháp Francois Hollande và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Jean-Yves Le Drian đang cố gắng thuyết phục công chúng rằng Mistral có thể bán lại cho nước khác. Song cho đến nay, không một nước nào lại cố gắng tìm cách mua lại hai con tàu đó.
Tàu đổ bộ trực thăng Sevastopol đang vận hành thử nghiệm
Các chuyên gia đều cùng đồng thuận rằng nước Pháp sẽ không thể nào bán tháo Mistral một cách nhanh chóng. Lựa chọn duy nhất cho ông Hollande lúc này là bán tàu với “giá cực kỳ rẻ mạt”.
Trung Quốc cũng đang “có ý định” mua hai chiếc Mistral. Ông Martinez nhận định: “Với tư cách là đồng minh của Nga, có khả năng Trung Quốc sẽ bán lại cho nước này với giá rẻ”.
Trong mọi trường hợp, nước Pháp phải sớm hoàn tất việc mua bán Mistral để tránh làm tình hình trở nên tồi tệ. Chưa kể đến việc Pháp hoàn lại Nga hơn một tỷ euro, nước này còn phải tiêu tốn thêm từ một triệu đến năm triệu euro để bảo trì tàu đang đóng quân tại Saint Nazaire.