”Công tác chống ngập cho TP.HCM chưa được nghiên cứu thấu đáo, có thể gây ra tình trạng lãnh phí vì tiền chi nhiều nhưng hiệu quả không tương xứng...”
Kỹ sư Vũ Hải - người có hơn 50 kinh nghiệm trong lĩnh vực thoát nước đã bày tỏ như trên, tại hội thảo “Tác động của ngập lụt đến kinh tế-xã hội của TP.HCM”, do Trung tâm Công nghệ môi trường (thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) tổ chức sáng 20-8.
Kỹ sư Vũ Hải cho rằng để công tác chống ngập cho TP.HCM đạt hiệu quả cần phải rà soát đánh giá lại tất cả các dự án chống ngập đã và đang thực hiện, nhất là những dự án có dấu hiệu yếu kém về thiết kế nhưng kinh phí lại quá cao...
Tình trạng ngập úng ở TP.HCM gây nhiều bức xúc cho người dân trong nhiều năm. Nhiều chuyên gia chó rằng công tác chống ngập chưa đạt hiệu quả tương xứng so với số tiền đã đầu tư. Ảnh: KB
TS Phan Anh Tuấn (Trưởng phòng nghiên cứu và phát triển, Trung tâm Chống ngập TP.HCM) cho biết giai đoạn từ năm 2000 công tác chống ngập cho TP.HCM mới được quan tâm thực hiện.
”Giai đoạn 2001-2005, trên địa bàn TP có 105 điểm ngập. Sau khi bắt đầu thực hiện các dự án chống ngập, đến giai đoạn 2006-2010 xác định trên địa bàn TP có 91 điểm ngập. Từ 2011-2015 còn 80 điểm ngập. Tính đến hết năm 2015, toàn TP còn 37 điểm ngập. Giai đoạn 2016 đến nay tập trung giải quyết ngập cho khu vực trung tâm TP”, TS Tuấn đề cập.
Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên Pháp Luật TP.HCM về việc số liệu thống kê các điểm ngập trong thời gian qua còn bất nhất, chưa kể việc thống kê ngập trên các trục đường chính nên xảy ra tình trạng xóa ngập một tuyến đường thì gây ngập hàng chục tuyến hẻm... TS Phan Anh Tuấn nhìn nhận việc thống kê điểm ngập còn bất cập, chưa có số liệu đầy đủ, thống nhất giữa trung tâm với các quận, huyện.
Cách xác định điểm ngập dựa theo trục đường lớn, chưa tính hết các điểm ngập đường nhỏ, ngập hẻm gây khó khăn cho công tác đánh giá hiệu quả chống ngập. Ảnh: KB
”Theo tôi nên chống ngập dựa theo lưu vực, còn chống ngập dựa theo trục đường đúng là sẽ gây nhiều thắc mắc về hiệu quả”, TS Phan Anh Tuấn bày tỏ thêm.
Tại hội thảo, TS Đỗ Văn Lĩnh, Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam, cho biết qua quá trình nghiên cứu cho thấy sông Sài Gòn có hiện tượng đứt gãy được xem là một trong những nguyên nhân chính gây sụt lún, ngập lụt khu vực TP.HCM. Ông lo ngại tình trạng này có thể gây thêm khó khăn cho công tác chống ngập của TP.
Do đó, TS Lĩnh đề xuất việc đánh giá tình trạng ngập úng ở TP.HCM cần xem xét, làm rõ thêm về hoạt động dứt gãy sông Sài Gòn. Xem đây như tham số đầu vào để có sự đồng bộ trong quy hoạch phát triển đô thị của TP.