Công an cho biết đang điều tra làm rõ, hiện vẫn chưa có cơ sở xác định rằng việc đục đẽo này nhằm mục đích phá hoại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì việc đẽo gọt vỏ cây sẽ khiến cây bị cắt đứt đường vận chuyển chất hữu cơ và nước nên sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây.
Về nguyên tắc, mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh. Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
Hiện nay, theo Điều 49 Nghị định 121/2013 về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa thì nghị định này có quy định xử phạt về hành vi đục khoét, đóng đinh vào cây xanh; đốt gốc, lột vỏ thân cây hoặc có hành vi khác làm hư hỏng cây xanh…
Theo đó, hành vi đục đẽo, lột vỏ cây xà cừ của một số người mà báo chí phản ánh sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng.
Cây xà cừ đã bị đục lấy vỏ.
Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Người bị xử phạt có quyền chứng minh mình không vi phạm hành chính. Việc xử phạt phải được thực hiện công khai, khách quan, kịp thời để nhanh chóng ngăn cản hành vi và phòng ngừa chung đối với những hành vi tương tự hoặc những ai đang có ý định vi phạm.
Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục. Do đó, người bị xử phạt còn phải bồi thường theo đúng quy định pháp luật.
Nếu xác định được người gây ra hành vi vi phạm là tổ chức thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.