Ngày 30-5, Quốc hội (QH) nghe tờ trình và thảo luận tại hội trường về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Trong đó, đáng chú ý việc đề xuất cho ba luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1-8 nhận được nhiều quan tâm của các đại biểu (ĐB) QH.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành
Trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thành Tùng cho hay ngày 27-5 vừa qua, Chính phủ có tờ trình đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Các tổ chức tín dụng vào chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2024.
Nội dung trình theo hướng điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành sớm hơn (từ ngày 1-8-2024) đối với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở.
“Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc cần sớm triển khai thi hành các luật nêu trên. Qua đó nhằm tháo gỡ các vướng mắc, đưa các chính sách mới đã được QH quyết định vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn” - ông Tùng nêu.
Để bảo đảm chất lượng ban hành luật, cơ quan thường trực của QH đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan trong quá trình xây dựng dự án luật tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, nhất là những tác động bất lợi (nếu có) để đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp.
UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ rà soát kỹ các nội dung quy định chuyển tiếp tại bốn luật này và quy định tại các luật khác có liên quan chịu tác động của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành sớm năm tháng, từ đó có phương án xử lý phù hợp.
Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm chất lượng, có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của các luật…
Đại biểu Quốc hội: Cần cân nhắc kỹ
Nêu ý kiến, ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai và các luật có liên quan là rất cần thiết và phù hợp với tính cấp thiết hiện nay.
Tuy nhiên, ĐBQH tỉnh Tuyên Quang bày tỏ băn khoăn khi hiện nay ngoài một nghị định đã được Chính phủ ban hành, vẫn còn tới 15 văn bản (trong đó có chín nghị định, một quyết định của Thủ tướng, sáu thông tư) quy định chi tiết thực hiện Luật Đất đai mới chỉ dự kiến được ban hành trong tháng 6-2024. “Số lượng văn bản trên chỉ dành riêng cho Luật Đất đai” - bà Thúy nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy định chi tiết của các luật phải có hiệu lực đồng thời với thời điểm luật có hiệu lực. Bà Thúy quan ngại đến việc các cơ quan liên quan chưa đánh giá đầy đủ tác động tiêu cực của việc không kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn thi hành.
Trong khi đó, luật mới đã có hiệu lực, luật cũ và các văn bản quy định chi tiết luật cũ hết hiệu lực. Bà Thúy cho rằng cần đánh giá tác động của luật mới tới người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là khi không đủ thời gian để chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu theo luật mới.
Từ phân tích trên, bà Thúy đề nghị QH cần cân nhắc kỹ lưỡng về việc bổ sung dự án luật nói trên vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 theo quy trình thủ tục rút gọn và thông qua tại kỳ họp thứ bảy.
“Đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ các vấn đề có liên quan và bảo đảm chịu trách nhiệm toàn diện về điều kiện để các luật có thể triển khai thực hiện, không gây ra các tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp và người dân” - bà Thúy nói.
Đồng tình, ĐBQH Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) nói: “Nếu chúng ta cho luật mới có hiệu lực sớm, trong khi các hướng dẫn chưa xong thì tạo ra khoảng trống về pháp luật”. ĐB Minh cũng đề nghị cân nhắc thật kỹ về vấn đề này.
Đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024
Liên quan đến vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long gom thành bốn vấn đề chính mà các ĐBQH còn băn khoăn. Đó là phải chứng minh được những lợi ích mang lại khi áp dụng các luật trên sớm hơn; tiến độ chuẩn bị các văn bản quy định chi tiết, gồm cả văn bản do các bộ, ngành và các văn bản do địa phương ban hành; rà soát kỹ, đặc biệt là điều khoản chuyển tiếp, liệu ngoài bốn luật này thì có còn ảnh hưởng đến các luật khác hay không; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, thủ tục.
Người đứng đầu ngành tư pháp ghi nhận ý kiến này của các ĐBQH, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, trong đó có Bộ Tư pháp, rà soát rất kỹ và xin QH chấp thuận để đưa vào chương trình.
“Các bộ, ngành và Chính phủ sẽ bắt tay vào soạn thảo ngay từ bây giờ. Chúng ta sẽ cùng nhau rà soát rất kỹ. Nếu bảo đảm chất lượng, chính xác và không gây ra những khó khăn, tôi cho rằng QH cho phép các luật có hiệu lực sớm hơn sẽ đóng góp rất tốt vào việc phát triển kinh tế - xã hội và gỡ các khó khăn, vướng mắc cho đất nước” - bộ trưởng Bộ Tư pháp nói.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cho hay vừa qua, Thường vụ QH, các ủy ban thảo luận rất kỹ nội dung này. Chủ tịch QH và Thủ tướng cũng trực tiếp thảo luận với nhau. “Luật cần phải có văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết thi hành. Nhưng không phải cả luật đó phải có văn bản chi tiết mới thực hiện được, có nhiều điều trong luật có thể thực hiện được ngay” - ông Định nói.
“Xin phép QH cho ghi vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Còn QH cho hay không cho là khi thảo luận nội dung cụ thể các điều khoản này. Nếu đáp ứng thì QH sẽ biểu quyết, còn không thì thôi” - ông Định kết luận.
Trước đó, theo hồ sơ tham mưu cho Chính phủ trình QH việc ban hành nghị quyết sửa đổi Điều 252 để Luật Đất đai có hiệu từ ngày 1-7-2024 (sớm hơn sáu tháng so với dự kiến), Bộ TN&MT nêu bật một số lý do cần thiết đẩy sớm hiệu lực của luật.
Theo Bộ TN&MT, Luật Đất đai là một đạo luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước. Luật này giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều luật khác có liên quan. Đặc biệt, Luật Đất đai có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất…
Để tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 222 ngày 5-3-2024 ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai. Theo đó, Thủ tướng đã phân công các bộ, ngành, địa phương chủ trì soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.•
Cần có thêm nghị quyết về đường sắt đô thị, Trung tâm Tài chính quốc tế
Phát biểu tại phiên họp, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị có một nghị quyết về đường sắt đô thị. Ông Nghĩa dẫn Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại những địa phương có nhu cầu vận tải lớn như Hà Nội, TP.HCM...
Liên quan đến nội dung này, ông Nghĩa nhận thấy có hàng loạt vấn đề đặt ra như ngân sách, cơ chế (ủy quyền), đặc thù về hạ tầng giao thông, đấu thầu, huy động vốn trong và ngoài nước. “Rất cần có một nghị quyết về đường sắt đô thị” - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nghĩa, để xây dựng hơn 200 km đường sắt đô thị ở TP.HCM sẽ cần tới 25 tỉ USD. Tuy nhiên, nếu có cơ chế hợp lý thì có thể huy động phần lớn vốn trong nước mà không phải phụ thuộc nhiều vào vốn vay nước ngoài.
Ông Nghĩa cũng kiến nghị cần một nghị quyết về xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM để sớm xây dựng thành công Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM theo Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị. Ngoài ra, ông cũng đề nghị năm 2025 QH cần có nghị quyết tổng kết thi hành Nghị quyết 131/2020 về chính quyền đô thị tại TP.HCM. Ông cho rằng việc tổng kết này nhằm đáp ứng những vấn đề mới phát sinh, những yêu cầu mới và nghiên cứu để áp dụng rộng rãi ở các địa phương khác trên cả nước.