Sở Tư pháp TP.HCM vừa có buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai (khối trưởng khu vực thi đua Khối cơ quan tư pháp các tỉnh miền Đông Nam bộ). Tại đây, hai sở Tư pháp đã chỉ ra những quy định pháp luật còn nhiều bất cập.
Sở Tư pháp TP.HCM vừa có buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai. Ảnh: NGÂN NGA
Hai anh em ruột có quê quán khác nhau
Theo Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai, Luật Hộ tịch chỉ giải thích từ ngữ quê quán: “Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh”.
Vậy quê quán của cha hoặc mẹ được xác định như thế nào? Theo nơi sinh trưởng hay là quê của người cha (mẹ)?
Trong một gia đình, người anh đăng ký khai sinh tại thời điểm trước khi Luật Hộ tịch được thông qua, quê quán được xác định theo nơi sinh trưởng của cha (mẹ). Sau này, người em đăng ký khai sinh thì áp dụng việc xác định quê quán theo quê quán của người cha (mẹ) tức là quê quán theo ông nội của trẻ hiện tại (do quê quán của người cha là theo quê quán của ông nội). Việc làm này dẫn đến việc không thống nhất thông tin về quê quán của anh chị em ruột trong gia đình khi đăng ký khai sinh.
Ở tỉnh Đồng Nai nhiều người dân có yêu cầu thay đổi quê quán nhưng không có cơ sở để giải quyết. Nhiều người dân do mâu thuẫn gia đình nên người con có nguyện vọng thay đổi quê quán từ người cha sang người mẹ. Trong trường hợp này hiện tại vẫn không có cơ sở pháp lý từ chối hay giải quyết.
Rắc rối thủ tục nhận nuôi con nuôi
Tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định: “Trường hợp có sự thỏa thuận giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi, sự đồng ý của con nuôi từ 9 tuổi trở lên về việc thay đổi phần khai về cha mẹ trong giấy khai sinh và sổ đăng ký khai sinh của con nuôi; thì UBND cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh cho trẻ em đăng ký khai sinh lại cho con nuôi và thu hồi giấy khai sinh cũ; tại cột ghi chú của sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ là cha mẹ nuôi”.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 28 Luật Hộ tịch, việc thay đổi hộ tịch tức là đổi tên theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi mà yêu cầu lấy lại tên cha, mẹ đẻ đã đặt thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận giải quyết và cấp trích lục thay đổi hộ tịch cho người có yêu cầu. Như vậy Điều 28 không quy định phải thu hồi giấy khai sinh đã cấp trước đây như Nghị định số 19/2011/NĐ-CP đã quy định.
Theo quy định của Luật Nuôi con nuôi trong hồ sơ phải có giấy khai sinh. Luật Hộ tịch quy định đối với trường hợp trẻ bị bỏ rơi hoặc không xác định được cha mẹ thì các thông tin khác (trừ họ tên, ngày sinh, nơi sinh) đều được bỏ trống. Sau khi nhận con nuôi thì bổ sung thông tin cha mẹ nuôi vào giấy khai sinh. Quy định này vừa mâu thuẫn với Nghị định số 19/2011/NĐ-CP vừa gây ảnh hưởng tâm lý đến cha mẹ nuôi và con nuôi.
Vì vậy, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai đề nghị đối với trẻ bị bỏ rơi, không xác định được cha mẹ đẻ là ai, khi thực hiện xong thủ tục nuôi con nuôi thì thu hồi giấy khai sinh cũ và cấp lại giấy khai sinh mới.
Cụ thể, trong giấy khai sinh mới sẽ thể hiện đầy đủ tên cha, mẹ nuôi trong giấy khai sinh của trẻ mà không phải làm thủ tục bổ sung hộ tịch.
Tại khoản 1 Điều 48 Luật Hộ tịch quy định về nội dung và thẩm quyền ghi chú vào sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Trong đó lĩnh vực ghi chú việc nuôi con nuôi thì thẩm quyền ghi chú là UBND cấp huyện.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi lại quy định thẩm quyền và nội dung ghi chú vào sổ hộ tịch việc nuôi con nuôi đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (thẩm quyền ghi chú là Sở Tư pháp). Do đó Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai cho rằng chỉnh sửa nội dung này cho phù hợp.
Cũng liên quan đến công tác hộ tịch - quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM đã phối hợp với Sở TT&TT hướng dẫn triển khai kế hoạch số hóa sổ bộ hộ tịch trên địa bàn TP. Sở đã tiếp nhận và xử lý 158 hồ sơ quốc tịch các loại, trình UBND TP 54 hồ sơ nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
Cạnh đó, Sở Tư pháp TP.HCM còn có văn bản hướng dẫn UBND quận, huyện, sở, ngành triển khai thực hiện Nghị định số 24/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi…
Cũng trong dịp này, Văn phòng công chứng Châu Á và Văn phòng công chứng Đông Thành Phố (TP.HCM) đã tặng một căn nhà tình thương cho hộ nghèo tại tỉnh Đồng Nai trị giá 60 triệu đồng. |