‘Luật sư đã giúp tôi có thêm niềm tin vào công lý’

(PLO)- “Nếu không có luật sư, đời tôi sẽ rơi vào ngõ cụt” - chị Y Ró (người Mơ Nâm, một nhánh của dân tộc Xê Đăng, ngụ huyện Kon Plông, Kon Tum) nói.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Suốt 79 năm qua (10-10-1945 - 10-10-2024), nghề luật sư (LS) Việt Nam đã trải qua nhiều bước thăng trầm cùng lịch sử đất nước. Trên chặng đường đó, vai trò của LS trong việc hỗ trợ những người yếu thế, những người bị oan, sai ngày càng được thể hiện rõ rệt.

Những người dân trong các câu chuyện dưới đây luôn cảm kích tấm lòng của các LS, mà theo như họ nói thì “nếu không có LS, đời tôi sẽ rơi vào ngõ cụt”. Còn các LS thì nhiều lần vượt hàng trăm cây số để giúp thân chủ, khách hàng, giúp họ lấy lại niềm tin công lý.

“Tiền đâu mà thuê được luật sư ở TP.HCM”

Đang đi làm, chị Y Ró, một người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xê Đăng) sống tại xã Măng Cành, huyện Kon Plông, Kon Tum, hay tin mình bị kiện, đối diện với nguy cơ không còn chỗ ở.

Mọi chuyện bắt đầu từ việc gia đình chị thực hiện lời kêu gọi hiến đất để xây dựng làng nghề.

Cuối năm 2009, gia đình chị cùng bốn hộ khác đã di dời và được cấp hơn 400 m2 đất tại chỗ khác. Chị mua thêm một mảnh đất sát bên để làm nhà. Dù đã cất nhà và sinh sống ở đó nhưng cả hai mảnh đất đều chưa được cấp sổ hồng đứng tên gia đình chị Y Ró.

Thế nên khi bị một người hàng xóm kiện đòi đất thì chị Y Ró lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Gia đình chị không có sổ hồng, trong khi bên nguyên đơn lại có sổ. Mọi người xung quanh đều nói nhà chị sẽ thua kiện.

Nói với PV, chị Y Ró cho biết khi đang không biết bấu víu vào đâu, chị được một cán bộ thương tình, giới thiệu cho chị LS Lê Ngô Trung (Đoàn LS TP.HCM). “Nếu không có LS, đời tôi sẽ rơi vào ngõ cụt” - chị nói.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ, LS đã hướng dẫn chị khởi kiện hành chính để yêu cầu hủy sổ hồng của người hàng xóm. Lý do sổ này của người hàng xóm đã được cấp chồng lấn lên đất của chị. Đây cũng là chứng cứ quan trọng mà bên nguyên đơn đang có để chứng minh quyền sử dụng của họ.

Hiện nay, tòa đã tuyên án phúc thẩm vụ kiện hành chính, sổ hồng cấp cho bên nguyên đơn đã bị hủy.

“Rất nhiều lần anh LS đi xe đêm từ Sài Gòn lên Kon Tum để giúp tôi. Tôi không có nhiều tài liệu trong tay, đất không có sổ hồng nên LS phải tìm kiếm, thu thập, hỗ trợ xác minh chứng cứ cho tôi. Nhiều người nói không hiểu bằng cách nào mà dân miền núi như tôi có thể thuê được LS ở TP.HCM. Tôi chỉ có thể nói là chắc mình may mắn và sống tốt. Nhiều lần tôi gửi LS tiền đi lại nhưng LS đều từ chối. Tôi chỉ biết cảm ơn và cầu mong LS có thật nhiều sức khỏe” - chị Y Ró nói.

luat-su-le-ngo-trung.jpg
Luật sư Lê Ngô Trung, Đoàn Luật sư TP.HCM. Ảnh: BXLS

Về trường hợp của chị Y Ró, LS Lê Ngô Trung cho biết anh thật sự trăn trở khi nhận vụ án này. Một gia đình người dân tộc thiểu số, từ chỗ tự nguyện di dời đến việc đối mặt với nguy cơ mất chỗ ở; thế nhưng các tài liệu, chứng cứ để chứng minh về quyền lợi của mình thì rời rạc, không rõ ràng hoặc không có; còn bên đối tụng thì lại có rất nhiều giấy tờ pháp lý ủng hộ họ.

“Khi gặp và nhận thấy sự chân thật, chất phác nơi chị Y Ró, tôi quyết định hỗ trợ pháp lý với tâm nguyện làm điều gì đó để bảo vệ quyền lợi cho những người yếu thế trong xã hội, góp phần giúp họ có niềm tin vào công lý và sự công bằng trong pháp luật” - LS Trung chia sẻ.

Gia đình chúng tôi và dân làng rất cảm kích tấm lòng và sự giúp đỡ của LS, nhờ đó mà chúng tôi còn niềm tin vào công lý, vào Đảng và Nhà nước.

Tôi mong rằng có nhiều LS đam mê nghề nghiệp, cố gắng dành thời gian để giúp đỡ những người yếu thế như chúng tôi.

Chị Y RÓ

niềm tin vào công lý
Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân đang trao đổi với ông Nguyễn Tấn Khoa, người bị oan, tại tòa. Ảnh: LỆ TRINH

“Vụ án của anh là án oan”

Đó là lời LS Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn LS tỉnh Đồng Nai) nói với khách hàng của mình ngay khi nghiên cứu xong hồ sơ hồi 10 năm trước. LS có niềm tin rằng việc xử lý hình sự ông Nguyễn Tấn Khoa (An Giang) chính là “làm oan người vô tội”.

LS tìm đến Pháp Luật TP.HCM và bài báo “Chậm trả nợ, bị phạt 15 năm tù” đã mở đầu cho hành trình LS đồng hành cùng ông Khoa đòi công lý.

Đến tháng 3-2024, ông Khoa chính thức được minh oan sau 10 năm mang thân phận bị can, bị cáo. Ông đã được đình chỉ bị can do không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Chia sẻ về hành trình được minh oan, ông Khoa nhớ lại những năm 2010-2013, vì làm ăn thua lỗ nên ông phải đi vay tiền hơn 10 tỉ đồng của ba người để thu mua nếp.

Đầu năm 2013, một chủ nợ yêu cầu ông phải trả cả vốn lẫn lãi trong một lần. Vì không kịp xoay xở nên ông phải lập hợp đồng mua bán giả để xin thêm thời gian giãn nợ.

Sau đó, ông Khoa có đem một phần tiền đến trả nhưng chủ nợ không nhận mà yêu cầu phải trả hết một lần. Cuối cùng, ông đã thế chấp một số tài sản của mình gồm hai nhà kho, 1.700 m2 đất thổ cư.

Hai bên thống nhất lập biên nhận nhưng sau đó người chủ nợ lại đi tố cáo ông Khoa.

Năm 2015, ông Khoa bị TAND tỉnh An Giang tuyên phạt 15 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đây cũng là lúc vợ chồng ông loay hoay đi tìm LS.

Ông Khoa kể vợ ông tìm đến nhiều LS, có người nói “này quá trễ, sao không đến LS sớm?”. Cùng lúc đó, vợ ông được những người mua bán chung lúa gạo giới thiệu LS Trần Cao Đại Kỳ Quân.

Ban đầu khi nghe LS nói “vụ án của anh là án oan”, ông Khoa thấy rất mơ hồ. Tuy nhiên, khi nhìn sâu hơn, thấy cái tâm của LS rất lớn; LS đã hiểu được câu chuyện, hiểu được tình thế của ông nên tâm tình ông được cởi mở. Vì vậy, vợ chồng ông đã quyết định nhờ LS Quân bào chữa.

Nhớ lại suốt quá trình trao đổi với LS về vụ án, ông Khoa nói ông ấn tượng với việc LS luôn đến gặp ông sau chuyến hành trình dài xuyên đêm từ Sài Gòn đi An Giang. Khi gặp, LS chỉ hỏi thăm sức khỏe và yêu cầu ông “sự thật thế nào khai thế đó là được, mọi việc bên ngoài đã có LS lo”.

Và đúng như vậy, với những lập luận sắc bén của LS, vào tháng 5-2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm đã tuyên hủy án để điều tra, xét xử lại. Tháng 6-2017, TAND tỉnh An Giang xét xử sơ thẩm lần 2, HĐXX đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần. Và đến năm 2024, ông chính thức trở thành người vô tội.

Sự kiên trì theo đuổi vụ án nhiều năm của vợ chồng ông Khoa và LS Trần Cao Đại Kỳ Quân cuối cùng đã có một cái kết đẹp.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm