Luật sư khó vào khi chưa khởi tố

Theo luật sư Dương Thị Tới, BLTTHS vẫn còn có nhiều lỗ hổng, dẫn đến nhiều trường hợp luật sư không biết phải làm thế nào, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của thân chủ.

Lỗ hổng tiền tố tụng

Trong giai đoạn trước khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nghi can, người bị hại… vẫn bị cơ quan điều tra triệu tập, “mời” đến để lấy lời khai. Lời khai ban đầu của họ tại cơ quan điều tra có thể ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi và nghĩa vụ của họ về sau. Vì vậy, họ rất cần có luật sư bên cạnh nhưng do luật không quy định nên luật sư không thể tham gia ngay từ lúc này.

Từ đó, luật sư Tới đề nghị luật cần có quy định cho phép luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi của thân chủ trong giai đoạn tiền tố tụng. Cụ thể, luật sư chỉ cần có thẻ hành nghề và giấy yêu cầu luật sư của thân chủ là đủ.

Đồng tình, luật sư Phan Trung Hoài nêu dẫn chứng: Vừa qua ông nhận được đề nghị của một người yêu cầu giúp đỡ khi bị cơ quan điều tra triệu tập để lấy lời khai. Biết rằng vụ án chưa khởi tố nên ông chưa thể được cấp giấy chứng nhận bào chữa nhưng ông vẫn đến theo yêu cầu của khách hàng. Đến nơi, điều tra viên hỏi ngay: “Ông là ai? Ông vào đây làm gì? Ai cho phép ông vào?”. Ông trình bày là luật sư đến theo yêu cầu của thân chủ, điều tra viên lập tức bảo cơ quan điều tra chưa khởi tố vụ án, khởi tố bị can nên luật sư không thể tham gia trong những buổi lấy lời khai. Thế là ông đành phải ra về vì không còn cách nào khác.

Luật sư khó vào khi chưa khởi tố ảnh 1

Luật sư bào chữa cho bị cáo tại một phiên tòa lưu động. Ảnh: HTD

Có chế tài với người cản trở

Ngoài những khó khăn, trở ngại do quy định của pháp luật chưa đầy đủ, hầu hết luật sư của Đoàn Luật sư TP.HCM đều cho rằng nguyên nhân chủ yếu trong việc cản trở hoạt động hành nghề của luật sư vẫn xuất phát từ ý thức chủ quan của cán bộ tố tụng.

Theo luật sư Lê Lâm, để luật sư thực hiện đúng chức năng của mình, chỉ cần cơ quan tố tụng, cán bộ tố tụng thực hiện đúng theo những gì mà pháp luật đã quy định. “Không phải cán bộ không biết, không hiểu quy định mà ở đây chính là văn hóa ứng xử với luật sư chưa tốt. Việc sửa đổi luật là chuyện lâu dài. Trước mắt, cần phải làm thế nào để các cơ quan chức năng xem hoạt động của luật sư cũng là hoạt động nhằm bảo vệ pháp luật, bảo vệ pháp chế” - luật sư Lâm nói.

Cùng quan điểm, một luật sư khác cho rằng những khó khăn của giới luật sư là điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Điều quan trọng là đến nay, trong BLTTHS và các văn bản hướng dẫn vẫn chưa có chế định nào khắc chế sai phạm của những người tiến hành tố tụng. Trên thực tế, để đối phó, luật sư chỉ có hai phương án: Nếu khiếu nại, đối đầu thì sẽ bất lợi cho thân chủ, còn nếu muốn có lợi cho thân chủ thì phải hành xử tiêu cực. Do đó, luật cần thiết phải quy định rõ các chế tài với người cản trở hoạt động hành nghề của luật sư.

“Quyền bào chữa là giá trị văn minh không thể đảo ngược được. Nếu không thực hiện nó thì không thể đảm bảo các quyền tự do cơ bản khác cũng như quyền tiếp cận công lý. Vì vậy, những hành vi tiêu cực gây cản ngại đến hoạt động của luật sư sẽ dần dần bị khắc chế” - luật sư Phan Trung Hoài bày tỏ sự tin tưởng.

Không được buông xuôi vì khó khăn trước mắt

Tại buổi làm việc với Liên đoàn Luật sư, luật sư Nguyễn Đăng Trừng (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) đã có những phát biểu rất sâu sắc về nghề nghiệp. Ông nói: “Trong đội ngũ luật sư chúng ta hầu như ai cũng đều đã từng bị làm khó khi tham gia bảo vệ quyền lợi cho thân chủ trong vụ án hình sự. Nhưng không vì thế mà chúng ta chấp nhận buông xuôi để ra sao thì ra. Chúng ta phải có niềm tin vào tương lai của mình. Nếu không quyết tâm thì phải bỏ nghề mất. Đất nước chúng ta đang hội nhập với quốc tế. Trong nền kinh tế thị trường, luật sư không thể tách rời, hoạt động nghề nghiệp sẽ càng ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn. Đội ngũ luật sư vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước nhưng trước mắt chúng ta vẫn cần phải tiếp tục gắn bó với nghề nghiệp của mình. Luật sư là chỗ dựa cho thân chủ, có khi cãi không được nhưng ít ra cũng là chỗ dựa về tinh thần!”.

E ngại sự thiếu khách quan

Sự tham gia của luật sư trong giai đoạn tiền tố tụng chưa được pháp luật tố tụng hình sự quy định và từ trước tới nay chúng ta cũng ít lưu tâm. Thực tế hiện nay cơ quan điều tra xác minh 10 vụ thì khởi tố chỉ một vụ. Nếu giai đoạn tiền tố tụng này mà không có luật sư tham gia sẽ dẫn đến việc lấy lời khai ban đầu có thể thiếu khách quan. Sau đó, những tài liệu tiền tố tụng này vẫn có khả năng được đưa vào và công nhận trong giai đoạn điều tra.

Luật sư PHAN TỰ LẬP,Đoàn Luật sư TP.HCM

Người bị hại cũng cần luật sư

Người bị hại trong vụ án hình sự cũng là đối tượng rất cần có luật sư để bảo vệ quyền lợi cho họ ngay từ đầu. Bởi lẽ có những trường hợp vì không hiểu biết pháp luật nên lời khai của người bị hại sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của họ về sau. Hơn ai hết, người bị hại là đối tượng bị tổn thương vì hành vi phạm tội của bị can, bị cáo gây ra nên rất cần có luật sư giúp đỡ về mặt pháp lý.

Luật sư NGUYỄN DUY MINH, Đoàn Luật sư TP.HCM

TIẾN HIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm