Luật sư (LS) NVD, Đoàn LS TP.HCM, là người bào chữa cho bị can HND (sinh năm 1993) bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ban đầu hồ sơ vụ án do Công an TP L. thụ lý, sau được chuyển lên Công an tỉnh Đ.
Luật sư bị... hành
Khi LS D. chờ mãi không thấy điều tra viên mời tham gia hỏi cung, ông đã chủ động đến trại tạm giam Công an tỉnh Đ. để yêu cầu được tiếp xúc với bị can D. Lúc này cán bộ trại tạm giam yêu cầu LS phải liên hệ với điều tra viên (ĐTV) và phải có ĐTV cùng tham gia buổi tiếp xúc.
Sau đó vì quá lâu nhưng chưa được mời hỏi cung lại, LS D. gọi điện thoại đăng ký và báo cho ĐTV biết thời gian cụ thể LS sẽ đến để tiếp xúc với bị can. Tuy nhiên, khi LS đang trên đường đi thì ĐTV gọi điện thoại yêu cầu LS đến công an tỉnh để trao đổi trước về nội dung tiếp xúc. Nhận thấy yêu cầu này không ảnh hưởng gì nên LS đã làm theo. Nhưng cuối cùng lấy lý do là lãnh đạo bận đi công tác nên ĐTV vẫn không giải quyết cho LS tiếp xúc với bị can D.
Sau khi hồ sơ vụ án được chuyển sang VKS, ngày 30-5, LS D. lại đến trại tạm giam đề nghị được tiếp xúc với thân chủ cả ngày, buổi sáng từ 8 giờ đến 10 giờ và buổi chiều từ 14 giờ đến 16 giờ. LS D. kể: “Lúc này cán bộ trại tạm giam gọi điện thoại báo cho CQĐT, qua nội dung trao đổi tôi nghe thấy cán bộ này thắc mắc: LS bào chữa vào tiếp xúc mà không cho họ nói về nội dung vụ án thì vào làm gì...?”.
Tiếp đó cán bộ trại tạm giam gọi điện thoại cho người của VKS hỏi rằng có giải quyết cho LS vào tiếp xúc với bị can hay không. Sau đó vị cán bộ thông báo kết quả là LS D. được tiếp xúc với thân chủ. Nhưng khi LS D. xuống khu vực giam giữ thì cán bộ ở đây lại báo là VKS nói buổi chiều không cho LS tiếp xúc (dù luật không hạn chế). Kết quả là khi LS D. được gặp bị can thì đã hơn 9 giờ sáng và buổi tiếp xúc chỉ được chưa tới một tiếng đồng hồ.
Ngày 5-4, văn phòng nơi LS D. làm việc có đơn phản ánh gửi Liên đoàn LS Việt Nam (VN) cho rằng trong quá trình hành nghề LS bị làm khó, bị cản trở quyền được tiếp xúc với người bị tạm giam. Ngày 9-4, Liên đoàn LSVN có phiếu chuyển đơn này đến Bộ Công an, VKSND Tối cao để xem xét theo thẩm quyền. Từ đó các cơ quan này có ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn để các cơ quan có liên quan thực hiện đúng quy định của pháp luật về quyền của LS trong việc gặp gỡ, tiếp xúc với người bị tạm giam.
Liên đoàn LS muốn gặp Bộ Công an
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS-LS Phan Trung Hoài (Phó Chủ tịch Liên đoàn LSVN) cho biết Cục Pháp chế, Bộ Công an từng tổ chức nhiều buổi hội thảo về vấn đề này. Quan điểm của Liên đoàn LSVN là cần thực thi và đảm bảo quyền tiếp xúc của LS với bị can theo luật định trên tinh thần của hiến pháp mới và BLTTHS 2015.
“Thường trực Liên đoàn LS cũng đã có văn bản, đăng ký với lãnh đạo Bộ Công an để có buổi làm việc trực tiếp của Thường trực Liên đoàn với lãnh đạo Bộ Công an, CQĐT để làm rõ các vấn đề liên quan đến việc cản trở quyền hành nghề của LS” - LS Hoài nói.
Theo ThS Lưu Minh Sang (ĐH Kinh tế Luật TP.HCM), quyền bào chữa của bị can, bị cáo là hiến định và là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự. Theo Điều 74 BLTTHS 2015, LS có quyền tham gia ngay từ khi thân chủ bị bắt và có mặt tại trụ sở CQĐT hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.
Trong giai đoạn điều tra, quyền của người bào chữa được quy định rõ gồm quyền gặp, hỏi thân chủ tại địa điểm theo quy định; quyền có mặt vào lúc lấy lời khai, hỏi cung cũng như trong các hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác (trừ vài trường hợp theo Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015). “Nếu đúng như trình bày của LS D. thì CQĐT, VKS và cơ quan quản lý giam giữ đã cản trở việc gặp gỡ, tiếp xúc giữa LS và bị can” - ThS Sang bình luận.
LS Huỳnh Kim Ngân, Đoàn LS TP.HCM, cho biết theo Điều 10 Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ thì cơ quan quản lý việc tạm giam, tạm giữ hoàn toàn độc lập với các cơ quan tiến hành tố tụng khác. Do đó, khi liên hệ gặp bị can đang bị tạm giam, LS yêu cầu cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam tuân thủ Thông tư liên tịch số 01/2018 giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TAND Tối cao và VKSND Tối cao. Như vậy, về cơ bản, chúng ta đã có một hành lang pháp lý để thực hiện các quyền của LS nhưng thực tế quyền này vẫn chưa được đảm bảo.
Quy định đủ nhưng chấp hành yếu Việc LS không được tiếp xúc với bị can đúng luật là điều có thật. Sau khi BLTTHS 2015 được sửa đổi, bổ sung đã quy định rất rõ thì tình trạng này vẫn không được khắc phục. Thậm chí quy định tồn tại nhưng không ai chấp hành, các CQĐT không làm theo luật, nhiều LS đã trải qua tình trạng này. Những đổi mới của Hiến pháp 2013, nhất là Chương II về quyền con người, quyền công dân; quyền được có LS ngay từ đầu của bị can, được tiếp xúc với bị can của LS. Thậm chí những người bị tạm giữ cũng đã được tiếp xúc với LS rồi nhưng nhiều trường hợp CQĐT không thực hiện quy định này theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013 và BLTTHS 2015. Đại biểu Quốc hội, LS TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA |