Ngày 8-3-2018, Pháp Luật TP.HCM có đăng tin “Hãng bia Tiger có ý kiến về clip bia có dị vật”. Giải thích pháp luật liên quan vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ThS, luật sư Kiều Anh Vũ - Đoàn Luật sư TP.HCM.
Luật sư Kiều Anh Vũ nói: Đối với thông tin phản ánh nghi có dị vật trong lon bia Tiger thì các bên có liên quan cần làm rõ về tính xác thực của thông tin được phản ánh. Nhà sản xuất cũng cần phải kiểm tra lại thông tin được phản ánh để có sự phản hồi, giải quyết phù hợp.
Trường hợp thông tin được phản ánh là đúng sự thật, trong bia thật sự có dị vật và không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng thì hàng hóa đó được xem là hàng hóa có khuyết tật.
Theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhà sản xuất có nghĩa vụ thu hồi, xử lý sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, nhà sản xuất có trách nhiệm kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường; thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó.
Trường hợp hàng hóa không đảm bảo chất lượng, có khuyết tật mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định. Ngoài ra, nếu có các vi phạm khác thì còn có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
“Ngược lại, cũng cần phải làm rõ nếu đó là thông tin sai sự thật, là video clip dàn dựng hay không. Nếu là thông tin không đúng sự thật, nhằm mục đích gây ảnh hưởng xấu đối với doanh nghiệp, nhà sản xuất thì tùy tính chất, vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự” - LS Vũ nói.
Tuy nhiên, đến nay, không rõ vì lý do gì tài khoản Facebook có tên Myly Pham - nơi người đăng tải clip gây nên nghi vấn có dị vật trong bia Tiger, đã không còn khiến chúng tôi không thể liên lạc xác minh thực hư cũng như tính đúng đắn của sự việc.
Hình ảnh được cho là có dị vật trong bia. Ảnh: Cắt ra từ clip của tài khoản Facebook Myly Pham
Cũng theo luật sư Vũ, trong những trường hợp như thế này, dù thông tin phản ánh là đúng thì người tiêu dùng cũng nên có cách thức xử lý phù hợp, thiện chí.
Bởi theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có quyền góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa về chất lượng hàng hóa; yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định.
Đồng thời người tiêu dùng cũng có nghĩa vụ thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
“Do đó, khi phát hiện dấu hiệu hàng hóa không đảm bảo chất lượng, trước tiên người tiêu dùng nên phản ánh với tổ chức, cá nhân có liên quan, như nhà sản xuất, bên kinh doanh hàng hóa,…; yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ để làm rõ, giải quyết vụ việc. Tránh trường hợp nhận định chủ quan, đăng tải thông tin chưa kiểm chứng, không bảo đảm tính xác thực, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các chủ thể khác” - LS Vũ nhấn mạnh.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc và thông tin đến bạn đọc những vấn đề liên quan đến vụ việc này.