Khi một người bị bắt, bị tạm giam, anh ta có quyền yêu cầu cảnh sát, kiểm sát viên hoặc thẩm phán: “Hãy gọi luật sư (LS) trực ban cho tôi”. Lập tức cảnh sát sẽ gọi điện thoại cho đoàn LS địa phương yêu cầu cử LS đến sở cảnh sát. Đó là mô hình LS trực ban - hiểu nôm na là LS phản ứng nhanh của Nhật Bản mà Liên đoàn LS Việt Nam đang nghiên cứu, xây dựng.
Có luật sư để ngăn nạn ép cung
Ông Yamaguchi Kenichi, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Nhật Bản (ảnh), đã chia sẻ về mô hình LS trực ban tại hội thảo về đề án “LS trực ban” do Liên đoàn LS Việt Nam tổ chức mới đây.
Theo ông Kenichi, trước đây ở Nhật Bản khi nào kết thúc giai đoạn điều tra, khởi tố thì LS mới tham gia tố tụng. Vì chưa có chế độ bào chữa chỉ định cho bị can nên trừ một số người tự thuê người bào chữa thì hầu hết nghi can khi bị bắt đều không có người bào chữa trước giai đoạn khởi tố.
“Bị can có thể bị tạm giam tối đa 23 ngày và có thể bị điều tra bất kể ngày đêm” - ông Kenichi cho hay. Vì vậy bị can có khả năng bị ép cung, các vụ án có biên bản thú tội khác với thực tế vụ án vẫn liên tiếp xảy ra. Mặt khác, có những vụ án mà bị cáo được cho là tự nguyện thú tội nhưng điều đó có đúng với ý nguyện của họ hay không vẫn là điều gây tranh cãi. “Để thực hiện quyền im lặng, tránh tình trạng bức cung và bảo đảm quyền con người, chế độ bào chữa chỉ định cho bị can là điều không thể thiếu” - ông Kenichi nói.
Mô hình luật sư trực ban là cần thiết Pháp luật hiện hành quy định người bị tạm giữ, tạm giam có quyền nhờ người bào chữa nhưng chưa có cơ chế hỗ trợ pháp lý ban đầu để giúp họ hiểu biết quyền của mình theo quy định của BLTTHS từ người bào chữa. Vì vậy, mô hình LS trực ban rất phù hợp để bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013. LS NGUYỄN VĂN CHIẾN, Phó Chủ tịch |
Bắt đầu từ năm 1989, Liên đoàn LS Nhật Bản đã triển khai mô hình “LS trực ban”, đến năm 1992 thì mô hình này được thực hiện trên toàn quốc. Với mô hình này, người bị bắt, bị tạm giam nào cũng có quyền yêu cầu cảnh sát, kiểm sát viên, thẩm phán “gọi LS trực ban cho tôi”. Cảnh sát sau đó sẽ gọi điện thoại cho đoàn LS địa phương và thông báo rằng: “Người bị sở cảnh sát X bắt, đang bị tạm giam vì tội Y có yêu cầu cử LS trực ban”.
Ông Kenichi nhấn mạnh: “Yêu cầu này có thể thực hiện trong cả ngày nghỉ, ban đêm. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp của người bị bắt, bị tạm giam cũng có thể liên hệ trực tiếp với đoàn LS và yêu cầu trợ giúp cho người bị bắt, bị tạm giam”.
Tránh việc “bút sa, gà chết”
Ông Kenichi chia sẻ: Khi nhận được yêu cầu, LS trực ban sẽ gấp rút tới gặp nghi can trong vòng 24 tiếng nhưng tinh thần là càng sớm càng tốt. Khi gặp nghi can, LS sẽ tư vấn về tình trạng, quyền lợi và thủ tục tố tụng.
Các đại biểu tại hội thảo về đề án “Luật sư trực ban” do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức. Ảnh: CHÂN LUẬN
Khi bị hỏi cung, không được nhận những việc mình không làm. Bởi nếu trót nhận một lần thôi thì khi ra tòa cũng rất khó được thẩm phán tin là anh/chị không làm việc đó.
Về biên bản ghi lời khai, LS trực ban Nhật Bản sẽ tư vấn rằng: Biên bản ghi lời khai sẽ là chứng cứ chứng minh những nội dung khai báo trước tòa. Nếu là người nước ngoài, hãy nhờ phiên dịch đọc biên bản lời khai và kiểm tra vài lần xem có gì sai không. Nếu có sai sót hoặc có những điểm không đồng ý, anh/chị có quyền yêu cầu chỉnh sửa nội dung biên bản lời khai. “Nghi can sẽ thảo luận rất kỹ với LS về biên bản lời khai” - ông Kenichi cho hay.
Lấp khoảng trống trong tố tụng Việt Nam
Nhiều đại biểu tham dự hội thảo về đề án LS trực ban cho rằng mô hình LS trực ban của Nhật Bản hoàn toàn có thể áp dụng tại Việt Nam. Ông Tsukahara Masamori, chuyên gia dự án JICA, nói: “Nếu Việt Nam áp dụng chế độ LS trực ban thì vai trò của LS Việt Nam sẽ được nâng cao”.
Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam Phan Trung Hoài cho hay thực tế hiện nay quyền có LS của người bị bắt, bị tạm giam, tạm giữ đang có một khoảng trống. “Nếu người bị bắt, bị tạm giữ không thuộc trường hợp chỉ định LS bào chữa thì làm thế nào họ tiếp cận được LS để thực hiện bào chữa của mình?” - LS Hoài đặt vấn đề.
Ở góc độ khác, LS Đinh Văn Quế cho rằng: Tuy Việt Nam chưa có chế độ LS trực ban nhưng đoàn LS nào cũng có văn phòng. “Văn phòng nào cũng có cán bộ trực để nhận công văn, giấy tờ, thông tin, trong đó có công văn của cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu đoàn cử LS bào chữa cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần. Đó cũng là một điều kiện thuận lợi”.
Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh thì nhận định: Mô hình LS trực ban của Nhật Bản rất thành công. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa Việt Nam áp dụng thành công ngay được. “Lý do cơ bản là mô hình tố tụng Nhật Bản là tranh tụng, còn mô hình tố tụng ở Việt Nam cơ bản vẫn nặng về thẩm vấn”. Tuy nhiên, ông Thịnh vẫn cho rằng Việt Nam cần sớm triển khai mô hình LS trực ban này vì nó phù hợp với yêu cầu bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013.
Trong đề án thí điểm LS trực ban thực hiện trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực hình sự, Liên đoàn LS Việt Nam đặt ra các mục đích, yêu cầu sau: - Thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí ban đầu cho những người có nguy cơ bị buộc tội và có thể phải chịu chế tài của pháp luật hình sự. - Góp phần bảo đảm quyền có người bào chữa ngay từ khi bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam hoặc từ khi bị khởi tố bị can theo quy định của hiến pháp, pháp luật. - Góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao dân trí, ý thức sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật của mọi người. - Hình thành đội ngũ LS tham gia tư vấn pháp luật ban đầu miễn phí cho người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam; bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự. - Góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp quyền, hỗ trợ LS tham gia các vụ án chỉ định theo yêu cầu của cơ quan tố tụng. |