Có một số ý kiến đồng tình cho rằng phải đặt lợi ích của quốc gia trên lợi ích cá nhân; hy sinh quyền lợi nhỏ để bảo vệ một quyền lợi lớn hơn. Nhưng cũng có nhiều
bạn đọc phản đối quyết liệt vì cho rằng như thế là tước đi quyền được bào chữa của nghi phạm, làm mất niềm tin nghi phạm, bị cáo đã gửi gắm vào luật sư.
Ngày 25-5, các đại biểu Quốc hội cũng đã có một buổi tranh luận nảy lửa về vấn đề này. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã cho rằng việc luật sư đi tố cáo thân chủ là vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội, vi phạm quyền con người của bị can, bị cáo, là hành vi trái với lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, phản bội lại niềm tin của thân chủ và thiên chức của luật sư”. “
Không nên quy định như vậy vì sẽ ảnh hưởng đến chế định LS đã được Hiến pháp cũng như các luật liên quan quy định. Đồng thời, đứng về mặt đạo đức xã hội thì quy định như vậy sẽ khiến LS phải làm trái lương tâm, đạo đức nghề nghiệp và phản bội niềm tin đã được gửi gắm” ĐB Nghĩa bày tỏ quan điểm.
Không đồng tình, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) lại đặt câu hỏi: “Bảo vệ cho loại tội phạm xâm phạm
an ninh quốc gia, khủng bố, phản bội Tổ quốc thì có còn quốc gia nữa hay không để chúng ta có thể yên tâm phát triển nghề nghiệp, kể cả nghề luật sư?”.
Buộc luật sư tố giác là tước đi quyền được bào chữa
Nhiều bạn đọc đồng tình với quan điểm của ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng LS tố giác thân chủ là góp phần với công tố buộc tội thân chủ của mình, điều này là trái với bản chất, trách nhiệm của nghề LS, đồng thời cũng trái với lương tâm và đạo đức nghề nghiệp, phản bội lại niềm tin của bị can, bị cáo; đặc biệt là trái với thiên chức của LS là gỡ tội.
“
Cám ơn Đại Biểu Trương Trọng Nghĩa đã tranh luận rất sâu sắc vấn đề. Ông đã viện dẫn từ Hiến pháp, pháp luật, đến quyền con người và xu thế phát triển, hội nhập. Ngành nghề nào cũng có những đặc thù riêng và không nên "quy chụp" người LS như mọi công dân khác. Mọi người đều trông chờ vào vai trò của LS trong việc bào chữa, bảo vệ quyền con người cho bị can, bị cáo thì cũng nên trao cho LS những quyền năng riêng để đảm đương tốt công việc của mình” bạn đọc
Hồ Văn Hưởng bình luận.
Bạn đọc LYNGO cũng cho chung suy nghĩ này, bạn viết: “Tôi đồng ý với quan điểm của LS Trương Trọng Nghĩa. Nếu LS tố giác thân chủ của mình thì đạo đức, lương tâm của LS để ở đâu? Nhiệm vụ của LS là bảo vệ thân chủ chứ không phải tố giác thân chủ của mình”
“
Ở đây, không đứng trên góc độ mối quan hệ mà là chức phận luật sư. Buộc luật sư tố giác tức là tước đi quyền được bào chữa của nghi phạm. LS tố giác thân chủ thì cũng vi phạm quyền con người của bị can, bị cáo. Vì theo Hiến pháp và BLTTHS thì bị can, bị cáo không buộc phải khai báo những điều chống lại mình, bất lợi cho mình và không buộc phải nhận tội trong khi LS lại đi tố giác họ, thật là phi lý”, một
bạn đọc nêu ý kiến.
Buộc luật sư tố giác là tước đi quyền được bào chữa của nghi phạm. Ảnh minh họa
Luật sư phải có trách nhiệm bảo vệ nhà nước Trái với quan điểm trên, cũng có
ý kiến đồng tình với quy định buộc luật sư phải tố cáo thân chủ trong một số tội như Dự thảo nêu. Theo phía ý kiến này, LS phải có nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân và cho rằng người học luật là để bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải chứ không chỉ bảo vệ thân chủ, bảo vệ hợp đồng…
“Người làm nghề luật sư giỏi thực sự không phải cãi kẻ có tội trở thành vô tội mà người luật sư cãi để thân chủ về đúng bản chất của hành vi… Mọi công dân đều phải sống và làm việc theo pháp luật không trừ một ai kể cả bác sĩ, luật sư. Nếu biết rõ tội phạm mà không tố giác có nghĩa là che dấu”, bạn đọc HUỲNH DUNG khẳng định chắc nịch quan điểm của mình.
“Tôi đồng ý với quy định của BLHS năm 1999 về vai trò, trách nhiệm của LS. LS không chỉ có vai trò bảo vệ cho thân chủ, mà còn có trách nhiệm bảo vệ Đảng, Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Vì vậy, đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm xâm phạm đến an ninh quốc gia... LS phải có nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân. Đó cũng như "tình huống bất khả kháng" khi hy sinh quyền lợi nhỏ để bảo vệ một quyền lợi, khác lớn hơn”, bạn đọc PHẠM VĂN KỲ bình luận.
Đáng chú ý, bạn đọc ĐỨC còn khẳng định: “Đạo đức cao cả và lớn nhất của người học luật là bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải chứ không chỉ bảo vệ thân chủ, bảo vệ hợp đồng. Vì vậy quy định phải tố giác tội rất nghiêm trọng là hợp lý”.
Còn bạn, quan điểm của bạn về vấn đề này thế nào, xin gửi bình luận vào mục Bạn đọc bình luận” ở bên dưới bài. Chúng tôi hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp từ các bạn.
Điều 19 Bộ luật hình sự 2015 quy định: Không tố giác tội phạm 1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 389 của Bộ luật này. 2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này. 3. Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này. |