Cuối phiên thảo luận về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều BLHS 2015 chiều 24-5, luật sư (LS) Trương Trọng Nghĩa và đại biểu Nguyễn Thị Thủy của tỉnh Bắc Kạn đã tranh luận nảy lửa về quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự của LS.
Trước đó, các đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch và Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam, cùng với đại biểu Trương Trọng Nghĩa của TP.HCM đã phát biểu về quy định buộc LS phải tố giác tội phạm được quy định tại điều 19 của dự luật.
Các đại biểu này đều cho rằng: Không nên quy định như vậy vì sẽ ảnh hưởng đến chế định LS đã được Hiến pháp cũng như các luật liên quan quy định. Đồng thời, đứng về mặt đạo đức xã hội thì quy định như vậy sẽ khiến LS phải làm trái lương tâm, đạo đức nghề nghiệp và phản bội niềm tin đã được gửi gắm.
Pháp Luật TP.HCMxin trích những ý kiến tranh luận của bà Nguyễn Thị Thủy và LS Trương Trọng Nghĩa.
Chỉ còn 83 tội
Bà Nguyễn Thị Thủy sau khi bày tỏ sự không đồng tình với những lý lẽ, lập luận của ba vị đại biểu là LS, đã nói:
Nếu LS không tố giác thân chủ của mình khi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì có vẻ không hợp lý.
Nghề LS hiện nay đang phát triển và tạo được niềm tin cho xã hội. Chiến lược cải cách tư pháp mà Liên đoàn LS Việt Nam đã đồng ý thì cũng cho thấy giới LS ngày càng yên tâm với nghề nghiệp của mình và mong muốn cống hiến cho xã hội trong sứ mạng bảo vệ công lý.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói nếu miễn trừ hết cho luật sư không phải chịu trách nhiệm hình sự khi không tố giác tội phạm là không hợp lý. Ảnh: CHÂN LUẬN
Mặt khác, trong quá trình sửa đổi, bổ sung BLHS 2015, Chính phủ đã trình phương án LS không phải chịu trách nhiệm nếu không tố giác tội phạm. Điều này còn rộng hơn cả quy định đối với người thân thích. Phương án này đã được lấy ý kiến nhân dân. Và 63/63 tỉnh, TP đều phản đối ý kiến này. Có ý kiến thậm chí còn đòi quay lại quy định tại BLHS 1999. Tiếp thu ý kiến của nhân dân, cơ quan soạn thảo đã xem xét và quy định miễn TNHS đối với LS, ngoại trừ những tội đặc biệt nghiêm trọng, tội xâm phạm an ninh quốc gia.
Nếu so sánh BLHS 1999 và BLHS 2015 thì phạm vi mà người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự đã được thu hẹp, chỉ còn 83 tội.
Tại sao lại miễn trách nhiệm hình sự đối với LS, trừ khi đó là tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng? Tội xâm phạm an ninh quốc gia thì rõ rồi vì không có lý do gì để không bảo vệ an ninh quốc gia. Còn đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng thì người bào chữa chỉ còn phải tố giác đối với những tội khủng bố, giết người hàng loạt, hiếp dâm trẻ em, đánh tráo trẻ em dưới một tuổi. Những tội này không còn phải là tội phạm thông thường nữa.
Phát biểu đến đây, bà Thủy được Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhắc rằng đã hết giờ. Sau đó, ông Uông Chu Lưu mời đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận lại.
Vai trò của luật sư được Hiến pháp và luật quy định
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói:
Những băn khoăn, lo lắng này đã được trao đổi rộng rãi trong hơn 10.000 LS đang hành nghề tại Việt Nam. Tôi rất thất vọng, không đồng tình khi lấy điều gì đó của thời phong kiến để so sánh với tội bất trung.
Nước Việt Nam hiện nay và 30 năm về trước cũng không như thế. Sau này chúng ta đã tham gia các công ước, đưa quyền con người trở thành phổ quát. Hiến pháp cũ làm gì có nhà nước pháp quyền. Sau này chúng ta đưa nhà nước pháp quyền, nguyên tắc suy đoán vô tội vào, đưa các quyền con người trong đó có quyền có LS, quyền không khai những điều bất lợi, chống lại mình vào, quyền không buộc phải nhận tội.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận lại và cho rằng những đề nghị của các đại biểu - luật sư là phù hợp với vai trò góp phần bảo vệ công lý. Ảnh: CHÂN LUẬN
Đó là những bước tiến rất lớn để Việt Nam hội nhập, bình đẳng và để “người ta thấy ta giống người ta”.
Khi chúng tôi nói quan hệ giữa LS và khách hàng là được quyền bảo mật đặc biệt thì nhiều quốc gia đã làm. Chúng ta làm khác đi và làm khác đi thì ảnh hưởng đến quan hệ, hội nhập và đầu tư.
Chúng tôi không đồng ý rằng “cho LS được hưởng quyền như quyền của người thân thích”. Người thân thích phải được đối xử như người thân thích. Còn LS phải được đối xử như LS. Đây là nhận thức sai về vai trò của LS trong cải cách tư pháp.
Chúng tôi ý thức được vai trò của LS trong Hiến pháp và trong các bộ luật hiện hành của chúng ta. LS có quyền riêng của họ.
Luật LS yêu cầu LS phải góp phần bảo vệ công lý và là bộ phận đặc thù trong hệ thống tư pháp. Từ đó nó mới ra những nguyên tắc đó.
Trách nhiệm của LS không phải là hành nghề kiếm tiền mà là Hiến pháp và luật pháp giao cho việc đi gỡ tội. Nên nhớ LS không chỉ đi cãi cho tội phạm mà còn bảo vệ cho các nạn nhân, các bị hại. Khi chúng tôi cãi cho những người phạm tội thì đó là quyền hiến định của họ, công lý cho phép họ được bào chữa.
Dĩ nhiên, có ranh giới ở chỗ này. Đó là quá trình bào chữa, những bị can, bị cáo có thể bộc lộ một số thông tin về tội phạm. Ranh giới giữa trách nhiệm công dân với đất nước, xã hội và niềm tin của thân chủ đã trao cho LS có thể mỗi nước khác nhau. Và vì thế quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với LS dĩ nhiên là không tuyệt đối.
Vấn đề là dự luật dùng từ “tố giác”, mà tố giác thì phạm vi rất rộng. Anh có biết rõ người kia không mà anh tố giác? Có những người nhận tội nhưng không phạm tội. Chẳng hạn có người nhận rằng tôi đã đẩy chết một người. Nhưng có thể là người bị đẩy không chết vì nguyên nhân đó. Thế rồi người ta ăn năn hối lỗi, chả lẽ mình đi tố giác người ta?
Tố giác mà không giới hạn lại thì làm hư đi vai trò của LS trong hệ thống tư pháp và nhiệm vụ bảo vệ công lý.