Sáng 21-6, Bộ TN&MT đã tổ chức hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật.
Xã hội hoá ngành nước
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết được ban hành, đánh dấu bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước của Việt Nam được đánh giá là còn nhiều thách thức.
Để triển khai luật, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật. Đồng thời, ngay khi các văn bản quy định chi tiết thi hành luật được ban hành, Bộ TN&MT cũng đã có 3 văn bản gửi các tỉnh đề nghị phổ biến văn bản cũng như sẵn sàng triển khai khi các văn bản nêu trên có hiệu lực thi hành.
"Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành ở trung ương và địa phương. Trong đó, Luật giao cho địa phương thực thi 28 nội dung như điều tra cơ bản, phương án khai thác trong quy hoạch tỉnh, lập, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước...", ông Thành nói.
Hồi sinh những dòng sông chết
Tại hội nghị, ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT), cho hay Luật Tài nguyên nước 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2024 với nhiều điểm mới, tác động đến nhiều đối tượng, góp phần thay đổi rất lớn phương thức quản trị tài nguyên nước ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Theo đó, luật đưa ra nguyên tắc tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nguồn nước với trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn...
Luật cũng đưa ra những quy định để đến năm 2030, vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước của Việt Nam ngày một nâng cao và tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới; bổ sung quy định về điều hòa, phân phối tài nguyên nước; tổ chức thực hiện các biện pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra trên các lưu vực sông; đẩy mạnh công nghệ số trong quản lý tài nguyên nước.
Bên cạnh đó, luật cũng bổ sung các quy định về phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm của người sử dụng nước; sửa đổi, bổ sung quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm tính đúng, tính đủ giá trị tài nguyên nước.
“Đặc biệt, luật cũng thiết kế các quy định, chính sách liên quan đến phục hồi các dòng sông, phục hồi nguồn bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm. Trong đó ưu tiên phục hồi các "dòng sông chết" nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái…” – ông Hà nói và cho biết các chính sách, kế hoạch hồi sinh các dòng sông chết này đang bắt đầu được thực hiện tại các con sông như: Bắc Hưng Hải, Nhuệ, Đáy.
Theo Bộ TN&MT, Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các văn bản quy định chi tiết được ban hành, đánh dấu bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá là còn nhiều thách thức.
Dự luật có bốn nhóm chính sách, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hóa ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước; Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra.
Bốn nhóm chính sách được thể hiện xuyên suốt trong Luật tại các quy định về:
Nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra;
Điều tra cơ bản tài nguyên nước, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; Quy định về bảo vệ, phục hồi nguồn nước; Điều hoà, phân phối tài nguyên nước; Khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra;
Công cụ kinh tế, chính sách, nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; Hợp tác quốc tế về tài nguyên nước; Thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước và Quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước.