Lực lượng cứu hộ Philippines leo lên núi lửa để tiếp cận hiện trường máy bay rơi

(PLO)- Bất chấp rủi ro, lực lượng cứu hộ Philippines đã leo lên một ngọn núi lửa đang hoạt động để tiếp cận hiện trường vụ máy bay rơi hôm 18-2.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-2, các quan chức Philippines cho biết lực lượng cứu hộ của nước này đang leo lên một ngọn núi lửa đang hoạt động để tiếp cận khu vực chiếc máy bay bị rơi vào cuối tuần qua. Giới chức Philippines mô tả đây là “một hoạt động rất nguy hiểm”, theo hãng tin AFP.

Bốn người, trong đó có hai người mang quốc tịch Úc, đã có mặt trên chiếc máy bay Cessna 340 khi nó mất tích vào sáng 18-2. Chiếc máy bay mất tín hiệu sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Bicol ở tỉnh Albay, cách núi lửa Mayon vài km.

Núi lửa Mayon ở miền Trung Philippines. Ảnh: AFP

Núi lửa Mayon ở miền Trung Philippines. Ảnh: AFP

Hôm 21-2, các nhà điều tra Philippines xác nhận mảnh vỡ phát hiện trên núi lửa Mayon vào cuối tuần qua chính là của chiếc máy bay mất tích. Hiện chưa rõ số người thương vong sau sự cố trên.

Tập đoàn Energy Development có trụ sở tại Manila cho biết chiếc máy bay mất tích thuộc sở hữu của họ. Hai người Úc trên máy bay là cố vấn kỹ thuật cho công ty.

Cơ quan Hàng không Dân dụng Philippines (CAAP) cho biết vào thời điểm gặp sự cố, chiếc máy bay đang bay ở phía tây của núi lửa, ở độ cao khoảng 1.070 m đến 1.200 m so với mực nước biển.

Các nỗ lực đưa đội cứu hộ tiếp cận hiện trường vụ tai nạn bằng trực thăng đã phải hủy bỏ do gió mạnh và mây che phủ khu vực. Để tiếp cận hiện trường, đội cứu hộ đã quyết định đi bộ lên ngọn núi lửa đang hoạt động.

Ông Carlos Baldo, thị trưởng thành phố Camalig gần địa điểm xảy ra vụ tai nạn, cho biết đội cứu hộ sẽ cắm trại qua đêm và dự kiến đến địa điểm xảy ra vụ tai nạn vào ngày 22-2.

Giám đốc Viện Núi lửa và Địa chấn học Philippines Teresito Bacolcol cảnh báo có nguy cơ "phun trào hơi nước hoặc đá rơi" ở khu vực núi lửa Mayon.

"Đây là một hoạt động đầy rủi ro" - ông Bacolcol nói với AFP.

"Chỉ những nhân viên có kinh nghiệm và được đào tạo chuyên nghiệp mới nên tham gia, nếu sẵn sàng chấp nhận rủi ro", ông khuyến nghị.

Mayon là ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Philippines. Lần cuối núi lửa này phun trào là vào năm 2018, tạo ra hàng tấn tro, đá và dung nham.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm