So với các nước trong khu vực, mức lương trung bình của Việt Nam ngang ngửa Indonesia 397-571 USD/tháng nhưng so với các nước khác lại thấp hơn như Philippines có mức lương 502-725 USD/tháng, Malaysia 959-1.417 USD/tháng, Singapore 2.087-2.927 USD/tháng.
Riêng khảo sát về mức lương trung bình ngành dệt may của Việt Nam lại đang cao hơn mặt bằng mức lương trung bình của cả nước. Cụ thể, một lao động ngành dệt may trung bình kiếm được 402-604 USD/tháng (từ 8,4 triệu đồng đến 12,6 triệu đồng).
Con số này chỉ bằng gần 1/2 so với Malaysia (725-1.019 USD/tháng) và bằng 1/4 so với mức lương trung bình ngành dệt may tại Singapore. Tuy nhiên, khi so sánh với Philippines sự chênh lệch là tương đối nhỏ khi mức lương trung bình ngành dệt may tại Philippines chỉ hơn 1,1 lần Việt Nam. Mức lương trung bình tại Việt Nam thậm chí còn cao hơn cả Indonesia gần 1,2 lần (343-510 USD/tháng).
Mức lương lao động dệt may đang được cải thiện.
Cũng theo báo cáo lương của JobStreet.com Việt Nam, mức lương trung bình ngành dệt may năm 2016 đã tăng 12% so với năm 2015. Một điểm đáng mừng khác về mức lương của ngành dệt may khi Việt Nam vừa được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố là quốc gia có tỉ lệ vi phạm quy định về lương tối thiểu thấp nhất trong bảy quốc gia xuất khẩu may mặc tại châu Á.
Trong đó, theo báo cáo mới nhất của ILO, cứ 100 lao động trong ngành dệt may thì tại Việt Nam chỉ có 6,6 người bị trả dưới mức lương tối thiểu. Trong đó, Philippines là nước đứng đầu với tỉ lệ người lao động nhận lương thấp hơn mức tối thiểu (53,3%). Tỉ lệ vi phạm ở mức độ nghiêm trọng (dưới 80% mức lương tối thiểu) ở Philippines cũng rất cao, lên đến 38,8%.
Cambodia và Indonesia cũng nằm trong danh sách những quốc gia có tỉ lệ người sử dụng lao động vi phạm việc trả lương dưới mức tối thiểu cao, khi khoảng 1/4 người lao động nhận dưới mức này.