Lưu ý về việc sử dụng lòng đường, hè phố để tổ chức đám cưới, đám tang

(PLO)-  Người dân được sử dụng một phần hè phố nhưng không được sử dụng lòng đường để tổ chức đám tang, đám cưới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Lưu ý về việc sử dụng lòng đường, hè phố để tổ chức đám cưới, đám tang

Mới đây, trên Quốc lộ 38B đoạn qua địa phận phố Thiên Sơn (thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư, Ninh Bình), một ô tô do Dương Ngọc Cương điều khiển đã bất ngờ lao vào rạp đám tang được dựng ven đường của một nhà trên phố Thiên Sơn.

Lúc này, rất nhiều người đang ngồi bên trong rạp đến chia buồn với gia đình có người mất. Hậu quả vụ tai nạn khiến ba người bị thương.

Đúng sai của vụ việc này cần phải chờ kết luận của các cơ quan có thẩm quyền, nhưng nhiều bạn đọc cho rằng lỗi của vụ tai nạn cũng xuất phát từ phía gia đình người dựng rạp ra lòng lề đường.

Thạc sĩ Huỳnh Thị Nam Hải, giảng viên Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM cho biết: Vì nhiều nguyên nhân mà người dân thường hay dựng rạp ra lòng đường, hè phố mỗi khi gia đình có hiếu, hỉ. Nhiều vụ tai nạn đã xảy ra do hành vi vừa nêu.

Thạc sĩ Huỳnh Thị Nam Hải lưu ý về việc sử dụng lòng đường, hè phố để tổ chức đám cưới, đám tang. Ảnh: MC

Thạc sĩ Huỳnh Thị Nam Hải lưu ý về việc sử dụng lòng đường, hè phố để tổ chức đám cưới, đám tang. Ảnh: MC

Theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 100/2013 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 11/2010; quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ) thì người dân được sử dụng một phần hè phố để tổ chức đám tang, đám cưới trong các trường hợp cụ thể sau:

- Tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ;

- Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ.

Việc sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông, không được gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Vị trí hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện: Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 m; Hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời. Hộ gia đình phải thông báo với UBND cấp xã trước khi sử dụng.

“Người dân không được sử dụng lòng đường để tổ chức đám tang, đám cưới. Việc dựng rạp giữa đường là một trong những hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ và sẽ bị xử phạt hành chính từ 2-3 triệu đồng đối với cá nhân và từ 4-6 triệu đồng đối với tổ chức (theo điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019)” – ThS Nam Hải lưu ý.

Cũng theo ThS Nam Hải, trong trường hợp sử dụng lề đường, hè phố, phần đường xe chạy trái phép và gây ra tai nạn giao thông thì tùy thuộc vào tính chất mức độ nghiêm trọng mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ (Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm