Tại diễn đàn "Doanh nghiệp (DN) có trách nhiệm" diễn ra trong hai ngày 25 và 26-11 tại TP.HCM, giải đáp câu hỏi vì sao trong bản đồ đầu tư tại Việt Nam ít thấy DN Mỹ và châu Âu, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nói vui đó là vấn đề mà ông nghiên cứu lâu nay chưa tìm ra lời giải.
Tuy nhiên, ông Cung cũng chỉ ra một số vấn đề khiến các DN Mỹ và châu Âu chưa đầu tư mạnh mẽ tại Việt Nam là do cơ cấu kinh tế Việt Nam, khâu sản xuất và công nghệ không phù hợp với họ. Bởi thế nên họ luôn đặt câu hỏi đến Việt Nam đầu tư cái gì? Điều này chúng ta cần nghiên cứu thêm.
TS Cung phân tích cùng với các hiệp định thương mại tự do cần phải thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước, thay vì tận dụng cơ hội bên ngoài để tạo ra áp lực mà xem đó là vấn đề nội sinh để phát triển đúng hướng.
Đại diện các doanh nghiệp, người lao động thảo luận các vấn đề liên quan đến trách nhiệm doanh nghiệp. Ảnh: P.ĐIỀN
Còn đại diện EuroCham cho rằng các DN châu Âu ngại đến do môi trường đầu tư chưa minh bạch và văn hóa phong bì. Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế là lực lượng lao động dồi dào, kỹ năng khéo léo, chi phí thấp khiến các nhà đầu tư vẫn xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn.
“Thực tế các nhà đầu tư châu Âu ít đầu tư trực tiếp vào Việt Nam mà thông qua bên thứ ba, đó là các quỹ đầu tư tại Singapore" - đại diện EuroCham nói.
Về trách nhiệm DN, đại diện EuroCham thẳng thắn chỉ ra Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý về sản phẩm gắn mác "made in Vietnam" để hưởng lợi từ tự do thương mại toàn cầu. Trong đó, trách nhiệm nhà sản xuất phải đặt lên hàng đầu. Đây cũng được xem là điều kiện cốt lõi để tham gia các hiệp định thương mại.
Theo đại diện EuroCham cần phải giám sát chống gian lận xuất xứ, để người tiêu dùng có chứng nhận về xuất xứ trước khi quyết định mua sản phẩm nào. Như vậy, Việt Nam cần khảo sát xây dựng hàng hóa xuất khẩu, tăng cường khung pháp lý đầu tư, kích thích vốn đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam.
"Việt Nam cần thúc đẩy trách nhiệm DN, nguồn gốc, xuất xứ, môi trường và thủ tục đầu tư, tham gia đóng góp phát triển xã hội, bền vững tin cậy hơn. Đồng thời, chú ý đến điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn cho người lao động và cam kết sở hữu trí tuệ" - đại diện EuroCham nói.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Giám đốc VCCI-TP.HCM Võ Tân Thành nhấn mạnh việc khuyến khích và thúc đẩy các DN trong nước hoạt động kinh doanh theo các nguyên tắc được quốc tế công nhận về quyền con người, bảo vệ môi trường, sự liêm chính trong kinh doanh. Đồng thời, xem chống tham nhũng là một phần trong chiến lược nâng cao năng lực cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giới chủ còn nhiều vi phạm Phía đại diện người lao động, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đánh giá tình trạng giới chủ vi phạm pháp luật còn khá phổ biến dưới nhiều hành vi khác nhau. Theo đó cùng với Bộ luật Lao động sửa đổi Quốc hội vừa thông qua, tổ chức công đoàn sẽ giám sát quá trình thực hiện để theo kịp tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, đề cao vai trò thương lượng lao động tập thể, ý chí, nguyện vọng của người lao động để nâng cao thu nhập lao động. Đồng thời kêu gọi vai trò của giới chủ tích cực tham gia cơ chế đàm phán ba bên (đại diện giới chủ, đại diện người lao động và Nhà nước) để thúc đẩy quan hệ lao động tốt hơn. Về vai trò đại diện của người lao động, thay vì tổ chức công đoàn như lâu nay, ông Hiểu cho rằng đây cũng là cơ hội để chăm lo tốt hơn cho người lao động. Trong đó vai trò của công đoàn bao trùm, còn thêm các tổ chức đại diện cùng chăm lo cho người lao động thì càng tốt. |