Theo Cục Xuất nhập khẩu ( Bộ Công thương), cách đây một tuần, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc nhận được thư của Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) thông báo về việc tái chỉ định các thực phẩm nhập khẩu phải kiểm tra khi vào Hàn Quốc.
Cụ thể, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc Hàn Quốc thông báo sẽ gia hạn lệnh kiểm tra theo Điều 22 của “Đạo luật đặc biệt về kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu” và “Quy định về Lệnh kiểm tra đối với thực phẩm nhập khẩu”.
Trước khi chấm dứt lệnh kiểm tra, MFDS quyết định tái chỉ định một số mặt hàng thực phẩm phải kiểm tra sau nhiều lần cân nhắc và xem xét do có tỉ lệ không phù hợp cao hoặc có nguy cơ gây hại.
Danh sách các mặt hàng thực phẩm cần xem xét, đối với những sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, mặt hàng thực phẩm cần kiểm tra là ớt cay (Cayenne, Capsicum, Chili Pepper, Red Pepper, Tabasco).
Hạng mục kiểm tra gồm bảy loại thuốc trừ sâu (Diniconazole, Tolfenpyrad, Tricyclazole, Permethrin, Dimethoate, Isoprothiolane, Metominostrobin).
Thời gian thi hành từ 31-3-2023 đến 30-3-2025.
Danh sách các mặt hàng thực phẩm phải kiểm tra được đăng trên trang web http://www.mfds.go.kr theo Điều 3 của “Quy định về Lệnh kiểm tra đối với thực phẩm nhập khẩu”…
Ngoài ra, cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh Hàn Quốc có ý định nhập khẩu thực phẩm theo lệnh kiểm tra phải nộp báo cáo thử nghiệm do các phòng thí nghiệm được MFDS phê duyệt cấp khi khai báo nhập khẩu.
Tính đến tháng 2-2024, có 59 phòng thí nghiệm được MFDS phê duyệt ở trong và ngoài Hàn Quốc.
Tại Việt Nam có tám cơ sở đã được MFDS phê duyệt gồm Trung tâm chất lượng Nông lâm thủy sản vùng I (NAFIQAD I); NAFIQAD II; NAFIQAD III; NAFIQAD IV; NAFIQAD V; NAFIQAD VI; Phòng thí nghiệm chi nhánh Cần Thơ- Công ty TNHH Intertek Việt Nam ; Phòng Thí nghiệm Thực phẩm- Công ty TNHH SGS Việt Nam.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, tháng 2-2024 Việt Nam xuất khẩu 884 tấn ớt với kim ngạch đạt 2,1 triệu USD. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 766 tấn, tăng 18,2% so với tháng trước và chiếm đến 86% thị phần.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính chiếm 87,4% với 1.414 tấn, tiếp đến là Lào chiếm 9,5% với 153 tấn.