Năm 2023 TP.HCM xử phạt hơn 1,1 tỉ đồng vi phạm trong kinh doanh xăng dầu

(PLO) -Quản lý thị trường TP.HCM phát hiện 34 vụ vi phạm gồm mua, bán xăng dầu với các đối tượng ngoài hệ thống phân phối

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Báo cáo kết quả hoạt động năm 2023, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết, đối với xăng dầu, theo kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất, các đội QLTT đã kiểm tra 107 vụ.

Trên 60 vụ vi phạm trong kinh doanh mua bán xăng dầu

Trong đó có 34 vụ vi phạm với các hành vi là không đăng ký hệ thống phân phối xăng dầu với cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

Bán hoặc lưu thông hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc không phù hợp với quy định của cơ quan có thẩm quyền. Mua, bán xăng dầu với các đối tượng ngoài hệ thống phân phối.

QLTT đã xử phạt hơn 1,1 tỉ đồng, buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp là hơn 261 triệu đồng, buộc tái chế 10.119 lít xăng RON95-III có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Về gas, các đội QLTT đã kiểm tra 99 vụ trong đó có 30 vụ vi phạm, đã xử phạt 461,5 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm như kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng cho cửa hàng bán LPG chai; cung cấp gas cho khách hàng nhưng không lưu lại tại cửa hàng phiếu giao hàng có đủ các thông tin về chủ sở hữu; loại chai; số sê ri bình gas; tên và địa chỉ khách hàng sử dụng; ngày giao gas cho khách; tên, địa chỉ và điện thoại liên hệ của cửa hàng.

xăng
Năm 2023 TP.HCM phát hiện 34 vụ vi phạm về xăng dầu. ẢNH: Cục QLTT TP.HCM

Trên 1,93 tỉ đồng tiền phạt bán hàng giả trên nền tảng thương mại điện tử

Cục QLTT TP.HCM nhận định: Năm 2023 qua công tác kiểm tra, xử lý cho thấy buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp vẫn không có dấu hiệu giảm.

Cụ thể, hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ 1.593 trường hợp vi phạm (tăng 105,81%); kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là 1.302 trường hợp vi phạm (tăng 101,23%).

Hơn nữa, những tháng cuối năm, giáp tết có nhiều lễ hội dự báo nhu cầu mua sắm tăng cao. Dẫn đến buôn lậu, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng tiếp tục tăng mạnh nhờ lợi thế giá rẻ, đa dạng chủng loại.

Mặc dù các đội QLTT tăng cường kiểm tra những tuyến phố du lịch, địa bàn nổi cộm, trung tâm thương mại, đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, tạm giữ lượng lớn hàng hóa vi phạm.

Tuy nhiên, buôn bán hàng giả vẫn không có dấu hiệu giảm. Số lượng nhãn hiệu bị làm giả ngày càng đa dạng gây khó khăn cho QLTT trong xác định hàng thật, hàng giả.

Đáng chú ý, các đối tượng lợi dụng TMĐT, mạng xã hội facebook, zalo… với nhiều thủ đoạn để bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Việc tạo lập tài khoản bằng thông tin giả để bán hàng khiến lực lượng chức năng rất khó xác định đối tượng vi phạm. Đồng thời, dịch vụ sử dụng xe gắn máy rất cơ động để giao nhận hàng hóa với số lượng ít nên QLTT khó phát hiện.

Trong năm qua, Cục QLTT TP.HCM phát hiện 77 vụ vi phạm trên TMĐT, phạt hơn 1,93 tỉ đồng.

Ngoài các vi phạm về TMĐT, QLTT còn phát hiện nhiều vi phạm kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo đó, hơn 16.000 đơn vị sản phẩm phụ kiện điện thoại di động, thuốc lá điện tử, mỹ phẩm, linh kiện điện tử, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em... bị tạm giữ để xử lý. Trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 707 triệu đồng.

Năm 2023, Cục QLTT TP.HCM kiểm tra 5.091 vụ, tăng 42,05% so với cùng kỳ năm trước. Xử phạt vi phạm hành chính số tiền 83,7 tỉ đồng.

Tổng số tiền thu đã thu nộp ngân sách là 96,7 tỉ đồng (tăng 66,80% so với cùng kỳ năm trước) gồm tiền phạt hành chính, tiền bán hàng tịch thu và tiền truy thu số lợi bất hợp pháp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm