Kiến nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh, miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân

(PLO)- Do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp khó khăn phải cắt giảm tiền lương, lao động khiến sức mua thị trường giảm đột biến.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM vừa báo cáo về tình hình hoạt động quý IV-2023 cho thấy doanh nghiệp (DN) một số ngành nghề dần hồi phục, tìm ra hướng phát triển mới. Kết quả này nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã phát huy tác dụng.

Doanh nghiệp phục hồi nhưng khó khăn về thuế, phí

Cụ thể, ngành chế biến lương thực- thực phẩm đã có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc từ sự gia tăng giao thương với thị trường Trung Quốc.

Ngành dệt may da giày có những đơn hàng từ các khách hàng mới, thị trường mới, ngành xây dựng- bất động sản đang trong quá trình sàng lọc nhưng cũng đã thích ứng hoàn cảnh mới, dần lấy lại vị thế trong nền kinh tế.

Thời gian qua, HUBA đã có những buổi tiếp xúc với các hội, câu lạc bộ DN quận, huyện để nắm bắt nguyện vọng của các doanh nghiệp khó khăn liên quan thuế, phí, tiền thuê đất, hải quan, vay vốn ngân hàng…

Doanh nghiệp khó khăn kiến nghị được gỡ vướng
Sức mua trên thị trường đang giảm mạnh, người dân thắt chặt chi tiêu hơn xưa. Ảnh: T.U

Tuy nhiên, doanh nghiệp khó khăn nhất vẫn là do sụt giảm sức cầu của thị trường. Điều này do ảnh hưởng chung của nền kinh tế khi nhiều doanh nghiệp cắt giảm tiền lương, lao động.

Hàng loạt cửa hàng buộc phải đóng cửa và làn sóng trả mặt bằng lan rộng là minh chứng cho sự khó khăn tiêu thụ hàng hóa. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu chưa phục hồi hoàn toàn làm cho nhiều doanh nghiệp chưa thể dốc toàn lực kinh doanh.

Đối với thị trường vốn, doanh nghiệp luôn cho rằng chưa được ngân hàng hỗ trợ triệt để. Dù lãi tiền gửi đã về mức rất thấp 4% nhưng nhiều khoản vay cũ vẫn không được giảm về dưới 10% với lý do là chưa hết thời hạn vay.

Đối với chính sách thuế-hải quan, mặc dù nhà nước đã tung ra nhiều gói hỗ trợ về thuế nhưng sự tiếp cận chưa đầy đủ, toàn diện.

Chính sách giảm 2% thuế VAT làm gia tăng lực cầu ở một số mặt hàng nhưng lại không áp dụng ở một số ngành cấp thiết, ví dụ như bất động sản; chính sách giảm 30% tiền thuê đất không áp dụng cho doanh nghiệp chưa có hợp đồng thuê đất làm cho các công ty không tiếp cận được.

Doanh nghiệp kiến nghị giảm thuế thu nhập về 17%

Vì vậy, các doanh nghiệp khó khăn kiến nghị được giảm tiền thuê đất cho tất cả đối tượng có nộp tiền thuê đất, không phụ thuộc vào hợp đồng thuê đất hoặc pháp lý đất đai. Áp dụng hồi tố chính sách miễn giảm về các năm trước đây.

Giảm thuế thu nhập DN về 17% cho tất cả doanh nghiệp vừa và nhỏ. Song song đó, Nhà nước nên định hướng tới chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp 15% áp dụng tương tự thuế suất tối thiểu toàn cầu chuẩn bị áp dụng thời gian tới, đảm bảo công bằng giữa các đơn vị.

Doanh nghiệp khó khăn, phải trả mặt bằng rất nhiều. Ảnh: TÚ UYÊN

Doanh nghiệp khó khăn, phải trả mặt bằng rất nhiều. Ảnh: TÚ UYÊN

Đối với thuế thu nhập cá nhân, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh, tính theo tỉ lệ của mức tiền lương tối thiểu vùng. Hỗ trợ người lao động bằng chính sách miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân như đã từng áp dụng năm 2019.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực triển khai các chương trình hỗ trợ cấp bù lãi suất 2% thông qua ngân hàng thương mại nhưng một số doanh nghiệp khó khăn khi tiếp cận được do sự phức tạp của thủ tục vay và e ngại thanh kiểm tra.

Vì vậy, DN mong muốn chính sách tiền tệ cần đưa ra các chương trình hiệu quả, dễ tiếp cận.

Cụ thể chương trình giảm lãi suất vay, áp dụng đồng bộ cho tất cả các khoản vay cũ và vay mới. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước có chính sách định mức trần lãi cận biên của các ngân hàng thương mại ở mức 3%.

Chương trình cho DN vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường thanh kiểm tra chuyên đề, yêu cầu các chương trình được thực hiện triệt để để hỗ trợ DN.

Nhiều khó khăn tồn tại lâu không được khắc phục

Đáng chú ý, doanh nghiệp nêu ra một số khó khăn cũ nhưng không có sự thay đổi đáng kể, nhất là thái độ phục vụ của một số cán bộ công chức khi giải quyết công vụ.

Tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm vẫn phổ biến trong các cơ quan Nhà nước. Kết quả là các khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp và người dân lâu được giải quyết, hoặc giải quyết không triệt để.

Ngoài ra, khi giải quyết công vụ, các cơ quan thường viện dẫn các văn bản để từ chối kiến nghị, đùn đầy cho cơ quan khác…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm