Lý do hàng không Việt doanh thu khủng nhưng vẫn báo lỗ

(PLO)- Các hãng bay thừa nhận dù mạng bay nội địa phục hồi nhanh, khách đi máy bay nhộn nhịp nhưng vẫn lỗ vì nhiều lý do khác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 2022, hàng không Việt Nam bùng nổ mạnh, vượt mọi dự báo với lượng khách nội địa đi lại tấp nập trong các dịp hè, lễ, tết. Tuy nhiên, các hãng hàng không lại liên tiếp báo lỗ tới hàng ngàn tỉ đồng, thậm chí âm vốn.

Ăn nên làm ra nhưng vẫn lỗ ngàn tỉ

Năm 2022, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco, VietJet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines đã khai thác 312.841 chuyến bay.

Riêng Vietnam Airlines với 100 chiếc máy bay đã bay 115.987 chuyến. Hãng hàng không này đạt doanh thu hợp nhất gần 71.000 tỉ đồng, trong đó thu từ hoạt động vận tải hơn 51.460 tỉ đồng. Doanh thu này cao gấp đôi hai năm 2020 và 2021 gộp lại.

Khách luôn kín các chuyến bay, doanh thu tốt, tuy nhiên các hãng bay vẫn liên tiếp báo lỗ. Ảnh: P.ĐIỀN

Khách luôn kín các chuyến bay, doanh thu tốt, tuy nhiên các hãng bay vẫn liên tiếp báo lỗ.
Ảnh: P.ĐIỀN

Hàng không nội địa phục hồi nhanh đem lại tổng doanh thu và thu nhập khác của Vietnam Airlines năm 2022 tăng 150%, tương đương 30.258 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong quý IV-2022 hãng này tiếp tục báo lỗ từ công ty mẹ, hãng bay Pacific Airlines và công ty dịch vụ mặt đất so cùng kỳ năm 2021.

Hãng hàng không quốc gia lý giải do các chi phí liên quan đến bán hàng, chi phí tài chính gia tăng, theo đó lỗ công ty mẹ tăng hơn 346 tỉ đồng. Tính chung, hãng hàng không này lỗ hơn 8.634 tỉ đồng trong năm 2022.

Đối với hãng bay VietJet Air, trong năm 2022, hãng khai thác 115.349 chuyến, đem về doanh thu hợp nhất trong năm của hãng này khoảng 39.340 tỉ đồng, tăng gấp ba lần so năm 2021. Tuy nhiên, hãng hàng không giá rẻ này vẫn lỗ gộp hơn 2.165 tỉ đồng do giá vốn cả năm là 41.500 tỉ đồng. Trong báo cáo tài chính, doanh thu quý IV-2022 của hãng bay này tăng gấp hơn 2,7 lần nhưng hãng vẫn lỗ hơn 3.330 tỉ đồng.

Tương tự, hai hãng hàng không Bamboo Airways, Vietravel Airlines cũng nhìn nhận chưa thể có lãi do nhiên liệu, tỉ giá, lãi suất tăng cao nên không thể bù đắp được các chi phí khai thác, nhiên liệu và tiền thuê máy bay.

Các hãng bay thừa nhận dù mạng bay nội địa phục hồi nhanh, khách đi máy bay nhộn nhịp nhưng doanh thu chính lại là trên đường bay quốc tế. Tuy nhiên, những đường bay này đang phục hồi chậm nên dòng tiền, lợi nhuận chưa thể bằng giai đoạn khi chưa bùng phát dịch bệnh.

Ngoài ra, các yếu tố khác như giá nhiên liệu vọt lên 130 USD/thùng, trong khi năm 2021 giá nhiên liệu bình quân khoảng 72 USD/thùng. Ngoài ra, xung đột chiến tranh Nga - Ukraine, biến động tỉ giá và lãi suất tăng cao nên hoạt động kinh doanh các hãng lỗ trong cả năm.

Đại diện một hãng hàng không chia sẻ dù dòng tiền thu về trong năm tăng khá, các hãng vẫn lỗ do sau thời gian đại dịch các chủ cho thuê máy bay, cung cấp nhiên liệu, sân bay… khoanh nợ. Theo đó, khi dòng tiền từ các dịp lễ, tết đổ về, các hãng bay bị hối thúc nợ, trong đó phần lớn hợp đồng thuê máy bay đều được trả bằng USD.

Lạc quan đường bay quốc tế phục hồi

Dù liên tiếp báo lỗ nhưng trong bối cảnh hàng không quốc tế đang phục hồi nhanh, các hãng bay lạc quan sẽ có nguồn doanh thu tốt hơn trong năm 2023. Trong đó, đường bay đi/đến Trung Quốc đang được tháo gỡ, tăng tần suất khai thác sẽ cải thiện lượng khách đi lại hai chiều. Trong đó, Vietnam Airlines nối lại năm đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ tháng 3 và tháng 4 năm nay, qua đó khôi phục tổng cộng chín trên 10 đường bay tới Trung Quốc so với giai đoạn trước đại dịch.

Cục Hàng không dự báo tổng thị trường vận tải hàng không Việt Nam năm 2023 đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa. Trong đó, vận chuyển nội địa đạt 45,5 triệu khách và 230.000 tấn hàng hóa tăng. Vận chuyển quốc tế đạt 34 triệu khách và 1,23 triệu tấn hàng hóa.

Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết để vượt qua khủng hoảng, âm vốn, hãng đã triển khai hàng loạt giải pháp ngắn và dài hạn. Cụ thể, trong đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025, hãng này sẽ khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu gồm: Tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền; phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu.

Trao đổi với PV, Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ hai năm đại dịch máy bay chủ yếu nằm sân, hãng duy trì trạng thái lỗ thấp nhất.

Với kỳ vọng mới, khi thị trường ấm lên, khách đi lại đông đúc, hãng lên kế hoạch tăng đội bay để mở rộng thị phần. Trong đó, thị phần quốc tế trọng điểm trước mắt của hãng là Thái Lan, sau đó sẽ mở rộng sang Đông Bắc Á. “Là hãng bay du lịch, chúng tôi nhắm đến các thị trường trọng điểm, hút khách du lịch trong nước và quốc tế nên đội bay sẽ tăng dần để phục vụ khách tốt nhất, từ đó mới có lãi tốt” - ông Kỳ thông tin.

Cục Hàng không đánh giá thị trường quốc tế đang dần hồi phục và dự báo cuối năm 2023 sẽ đạt được mức như năm 2019. Có thể khẳng định thị trường hàng không sẽ hoàn toàn hồi phục vào cuối năm 2023.

Bên cạnh những cơ hội, ngành hàng không vẫn còn những hạn chế về hạ tầng cảng hàng không, sự bất ổn của giá nhiên liệu, sự thiếu hụt nhân sự chuyên môn hàng không, xung đột Nga - Ukraine.•

Bán công ty cung cấp nhiên liệu bay

Mới đây, Vietnam Airlines thông báo mời các đơn vị tư vấn lập và triển khai phương án chuyển nhượng vốn tại Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam - Skypec do Vietnam Airlines nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Việt Nam - Skypec là công ty cung cấp nhiên liệu hàng không hàng đầu tại Việt Nam cho tất cả hãng hàng không Việt Nam và hơn 100 hãng hàng không nước ngoài tại 18 sân bay trên toàn lãnh thổ Việt Nam và bốn sân bay quốc tế của Hàn Quốc. Đây là công ty trong nhiều năm liền có nguồn thu khủng và tăng trưởng tốt cho công ty mẹ Vietnam Airlines từ việc cung cấp nhiên liệu cho các hãng bay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm