Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM vừa có báo cáo đánh giá chất lượng hoạt động và cung cấp một số dịch vụ công ích trên địa bàn TP.HCM trong năm 2023, trong đó công tác thoát nước chống ngập khiến người dân không hài lòng nhất.
Người dân chưa hài lòng
Cụ thể, Viện Nghiên cứu phát triển TP đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác điều tra xã hội học. Công tác này nhằm đánh giá sự hài lòng của người dân về chất lượng hoạt động và cung cấp dịch vụ công ích trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đô thị; thoát nước đô thị, chống ngập; cung cấp điện; cung cấp nước sạch; vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2023.
Kết quả tỉ lệ hài lòng chung: Xe buýt đạt 85,57%, nước đạt 72,26%, điện đạt 66%, thu gom rác thải đạt 55,25% và thoát nước chỉ đạt 22,81%. “Điều này cho thấy người dân chưa hài lòng về kết quả chống ngập, tình trạng ngập nước họ phải trải qua chứ chưa hẳn đánh giá thấp chất lượng hoạt động của đơn vị thực hiện dịch vụ thoát nước đô thị” - Viện Nghiên cứu phát triển TP cho biết.
Trên thực tế, cảnh tượng sống chung với ngập diễn ra nhiều năm nay ở TP.HCM, nhất là với những tuyến đường sát kênh rạch và các tuyến vùng trũng ở TP Thủ Đức, quận Bình Tân, quận Tân Phú... Cụ thể, trong các tháng 6, 7, 8, 9 và 10 hằng năm ở TP.HCM liên tục xảy ra mưa lớn. Mỗi lần như vậy là hàng loạt hình ảnh người dân dắt xe, lội nước… xuất hiện dày đặc trên các nền tảng mạng xã hội.
Không chỉ mưa, triều cường cũng gây khó cho người dân. “Cứ triều cường dâng cao là ngập, rất mệt mỏi. Đó là chưa kể khi mưa to cùng với triều cường thì nước càng dâng cao hơn. Tôi không biết khi nào cảnh tượng này mới hết” - một người dân sống trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 cho biết.
Viện Nghiên cứu phát triển TP cho rằng giải pháp quan trọng nhất để cải thiện sự hài lòng của người dân, nâng cao chất lượng dịch vụ chống ngập, thoát nước đô thị là đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các giải pháp chống ngập tại các điểm ngập hiện hữu.
Nhiều dự án chưa được khởi công
Theo kế hoạch chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025, TP cần tập trung nguồn lực hoàn thành các dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước để giải quyết 18 tuyến trục chính thường xuyên ngập nước.
“Đến hết năm 2022 đã giải quyết được 5/18 tuyến đường (Trương Công Định, Ba Vân, Bàu Cát, quận Tân Bình…; Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh) ngập do mưa” - báo cáo kết quả thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025, năm 2023, kế hoạch thực hiện năm 2024 của Sở Xây dựng TP.HCM cho biết.
Theo Sở Xây dựng, trong năm 2023, cơ quan chức năng tập trung vào việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, chuẩn bị đầu tư, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn và bố trí vốn để thực hiện các dự án giải quyết ngập cho 13/18 tuyến ngập còn lại.
Theo Sở Xây dựng, tiến độ của các dự án chưa đáp ứng yêu cầu một phần do công tác điều chỉnh, bổ sung danh mục đầu tư công và bố trí nguồn vốn còn hạn chế.
Như vậy, trong cả năm 2023, TP chưa khởi công được dự án giải quyết ngập do mưa nào. Cụ thể, các dự án giải quyết ngập do mưa này thuộc 13 tuyến đường, trong đó có 3 dự án ở quận Gò Vấp; 7 dự án ở TP Thủ Đức; các quận Tân Phú, Bình Thạnh, Bình Tân, mỗi quận có 1 dự án.
Về tiến độ, ba dự án ở quận Gò Vấp mới được UBND TP tiếp tục thông qua chủ trương đầu tư, điều chỉnh và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Bảy dự án ở TP Thủ Đức và các dự án ở các quận còn lại cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị.
Theo Sở Xây dựng TP, tiến độ các dự án trên chưa đáp ứng yêu cầu một phần do công tác điều chỉnh, bổ sung danh mục đầu tư công và bố trí nguồn vốn để thực hiện còn hạn chế, ảnh hưởng đến chỉ tiêu đặt ra.
Sở Xây dựng TP cho biết trong giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vốn cho chương trình chống ngập cần 101.408 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự kiến mới chỉ được giao trong giai đoạn này gần 17.424 tỉ đồng (chỉ đạt 17,27% nhu cầu).
Sở Xây dựng cũng cho rằng một lý do nữa khiến việc giải quyết các tuyến ngập do mưa chậm trễ là vì công tác rà soát, thực hiện nâng cấp, cải tạo các tuyến đường trục chính phù hợp với quy hoạch cao độ nền tại khu vực chưa thường xuyên. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng còn khó khăn cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.•
Năm 2023, giải quyết được một tuyến đường ngập do triều
Báo cáo của Sở Xây dựng TP về giải quyết các tuyến đuờng ngập do triều trong năm 2023 cho biết: TP đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng dự án bờ tả sông Sài Gòn giải quyết ngập triều trên tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng (TP Thủ Đức). Hiện nay chủ đầu tư đang thực hiện các công tác nghiệm thu hoàn thành dự án.
Dự án giải quyết ngập do triều có xét đến biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng) để chống ngập triều khu vực bờ hữu sông Sài Gòn đã đạt hơn 90% khối lượng nhưng phải ngừng thi công gần ba năm qua.
Hiện dự án đang gặp vướng mắc khi lập phương án thanh toán cho nhà đầu tư và phương án huy động nguồn vốn cho nhà đầu tư vay để tiếp tục thi công hoàn thành dự án. UBND TP đang báo cáo Tổ công tác Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo thực hiện nhằm hoàn thành và bàn giao dự án đưa vào sử dụng.