Chiến dịch tranh cử tổng thống giữa ứng cử viên đảng Tiến lên! Emmanuel Macron (theo xu hướng chủ nghĩa tự do xã hội) và ứng cử viên đảng Mặt trận Dân tộc (cực hữu) Marine Le Pen đã chính thức chấm dứt vào tối 5-5 (giờ địa phương).
Chậm hơn một tiếng
Vòng hai bầu cử tổng thống Pháp sẽ diễn ra ngày 7-5 (vòng một khởi động ngày 23-4). Trước đây phần lớn phòng phiếu đóng cửa lúc 18 giờ. Năm nay luật mới quy định tất cả phòng phiếu phải mở cửa đến 19 giờ.
Tại lãnh thổ chính quốc Pháp, các phòng phiếu mở cửa từ 8 giờ đến 19 giờ. Riêng các phòng phiếu tại các TP lớn sẽ mở cửa đến 20 giờ theo luật mới. Công dân Pháp cư trú trên lãnh thổ Pháp ở hải ngoại và các sứ quán Pháp ở châu Mỹ sẽ bỏ phiếu sớm hơn một ngày do chênh lệch múi giờ.
Điều 52-2 của Luật Bầu cử Pháp quy định kết quả bầu cử sẽ được công bố lúc 20 giờ để các cử tri cuối cùng đi bầu khỏi bị tác động. Dù vậy, do trong kỳ bầu cử này thời gian đóng cửa phòng phiếu chậm hơn một tiếng nên thời gian công bố kết quả chắc chắn sẽ chậm hơn 20 giờ.
Con số duy nhất báo chí Pháp được phép tiết lộ trước 20 giờ là tỉ lệ cử tri tham gia bầu cử chưa đầy đủ (lúc 12 giờ và 17 giờ). Người phát tán các đánh giá trước thời hạn cho phép sẽ bị phạt 75.000 euro. Ủy ban Kiểm soát chiến dịch tranh cử quốc gia (CNCCEP) phụ trách thi hành luật.
Điều đáng lo ngại là tỉ lệ cử tri đi bầu. Theo nghiên cứu của Viện Odoxa công bố ngày 5-5, tỉ lệ cử tri vắng mặt có thể chiếm 1/4 (22%-28%) và tỉ lệ cử tri tham gia 72%-78%. Ở vòng một có 22,3% cử tri không đi bầu.
Bầu cử Pháp theo biếm họa của Joep Bertrams, báo The Netherlands (Hà Lan).
Năm biện pháp của bà Le Pen
Nếu đắc cử tổng thống sau vòng hai, theo báo Le Monde, ứng cử viên Le Pen sẽ thực hiện ngay năm biện pháp như sau:
• Đàm phán với EU về chủ quyền: Bốn vấn đề đàm phán gồm đưa nước Pháp ra khỏi khu vực đồng tiền chung euro, miễn thực hiện các chỉ thị của EU, phân định lại đường biên giới và thực hiện chính sách kinh tế “ưu tiên cho nước Pháp”. Căn cứ kết quả đàm phán, bà Le Pen sẽ tiếp tục đề nghị tổ chức trưng cầu ý dân để Pháp ra khỏi EU (Frexit).
• Hoãn nhập cư hợp pháp: Cụ thể là chính sách đoàn tụ gia đình. Năm ngoái, các trường hợp đoàn tụ gia đình chỉ chiếm 13,6% trong 88.010 visa gia đình đã cấp. Trung bình mỗi năm có khoảng 12.000 người phối ngẫu hay con chưa thành niên đoàn tụ với người nhập cư cư trú thường xuyên tại Pháp (cư trú hơn 18 tháng và có cuộc sống tốt).
• Xem xét lại vấn đề khu vực Schengen, tái lập kiểm soát biên giới: Đây là một biện pháp nhằm ngăn chặn nạn nhập cư lậu và ngăn ngừa khủng bố.
• Trục xuất người nước ngoài có tên trong “danh sách S”: “Danh sách S” của Tổng cục An ninh nội địa gồm danh tính các đối tượng bị truy nã. Trên thực tế, hầu hết đối tượng có tên đều mang quốc tịch Pháp, như vậy không thể trục xuất khỏi Pháp. Đối với người song tịch, bà Le Pen muốn tước quốc tịch nhưng như thế phải sửa đổi hiến pháp.
• Cải cách chính sách thuế: Bà đề nghị giảm thuế thu nhập ở ba mức. Đến 9.710 euro thu nhập chịu thuế vẫn giữ mức 0%. Từ 9.710 euro đến 26.818 euro giảm từ 14% còn 12,6%. Từ 26.818 euro đến 71.898 euro giảm từ 30% còn 27%. Thật ra chính sách này không ảnh hưởng đến các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Năm biện pháp của ông Macron
Trong khi đó, ông Macron sẽ thực hiện ngay năm biện pháp cấp thiết nếu ông đặt chân vào điện Élysée:
•Sửa đổi luật lao động: Tân tổng thống sẽ ban hành sắc lệnh để sửa đổi luật nhằm tạo không gian nhiều hơn để đạt được thỏa thuận đa số trong đàm phán lao động ở cấp xí nghiệp hay ngành nghề. Ông Macron cũng muốn ấn định mức trần tiền bồi thường trong trường hợp sa thải vô cớ.
•Đạo đức hóa đời sống chính trị:Ông Macron dự tính ban hành luật về vấn đề này. Ví dụ: Cấm các nghị sĩ tuyển dụng người thân thuộc hoặc người trong gia đình, cấm các nghị sĩ hành nghề tư vấn trong thời gian đương nhiệm, đánh thuế tiền thù lao của các nghị sĩ.
• Tăng cường xung lực Pháp-Đức: Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Macron chắc chắn sẽ là Đức. Khác với bà Le Pen, ông chú trọng xây dựng EU vững mạnh hơn với đề nghị lập ngân sách chung của khu vực đồng euro, bố trí một bộ trưởng cho khu vực đồng euro, đấu tranh chống xuất khẩu lao động trong EU.
• Đơn giản hóa nghĩa vụ hành chính đối với doanh nghiệp: Ông dự tính sẽ xây dựng một đạo luật về “quyền sai lầm dành cho mọi người”. Luật sẽ quy định chính quyền phải có nghĩa vụ chứng minh sai sót xảy ra do cố ý và nhiệm vụ chính của chính quyền là tư vấn và hỗ trợ chứ không phải phạt, trừ các lĩnh vực hình sự, y tế và an ninh.
• Cải cách cấp tiểu học: Mục tiêu cải cách chủ yếu là giảm sĩ số học sinh theo từng cấp lớp cho đến khi đạt mục tiêu giảm chung ở cấp tiểu học.
Kết quả các cuộc thăm dò cuối cùng • Elabe: 62% cử tri sẽ bầu cho ông Emmanuel Macron và 38% bầu cho bà Marine Le Pen. 68% cử tri chắc chắn đi bỏ phiếu và 19% chưa quyết định. • Ipsos Sopra-Steria: Ông Macron được 61,5% ủng hộ (tăng 2,5 điểm) trong khi bà Le Pen được 38,5% (giảm 2,5 điểm). Số cử tri sẽ đi bầu chiếm 76%. • Ifop: 61% sẵn sàng bầu cho ông Macron. Bà Le Pen chỉ được 39% ủng hộ. Dự kiến có 75% cử tri sẵn sàng đi bỏ phiếu. • OpinionWay và ORPI: 61% dành cho ông Macron và 39% ủng hộ bà Le Pen. 77% đánh giá ông Macron sẽ đắc cử và 56% muốn điều đó trong khi chỉ có 20% dự đoán bà Le Pen sẽ đắc cử và 34% mong muốn như thế. |