Đây là cuộc bầu cử được đánh giá là mang ý nghĩa rất quan trọng, có thể hồi sinh hoặc phá hủy sự liên kết trên “lục địa già” châu Âu.
Tổng cộng có 11 ứng viên đang chạy đua để giành lấy hai vị trí trong vòng bầu cử thứ hai sẽ được tổ chức ngày 7-5 tới. Bốn ứng viên đang có tỉ lệ ủng hộ dẫn đầu trong cuộc đua là ông Emmanuel Macron, ứng viên ôn hòa, cựu Thủ tướng Francois Fillon của đảng Cộng hòa, lãnh đạo đảng Mặt trận dân tộc Pháp Marine Le Pen và ứng viên cực tả Jean-Luc Melenchon. Bốn ứng viên chia làm hai phe với hai tư tưởng đối nghịch trong vấn đề châu Âu. Chính sự đối nghịch này khiến cuộc bầu cử có ảnh hưởng vượt ngoài phạm vi nước Pháp.
Cử tri Pháp đi bỏ phiếu vào sáng 22-4 (giờ địa phương). Ảnh: GETTY IMAGES
Ứng viên Emmanuel Macron là người nhận được sự ủng hộ nhiều nhất trong các cuộc thăm dò. Ông công khai ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) và quá trình toàn cầu hóa. Nếu ông chiến thắng, EU sẽ được cải cách và châu Âu có cơ hội được phục hồi. Cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillon của đảng Cộng hòa cũng là người ủng hộ đồng tiền chung euro.
Trong khi đó, ứng viên đường lối cực hữu Marine Le Pen trong tuyên bố tranh cử đã cam kết sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc đưa Pháp rời khỏi EU (Frexit) nếu đắc cử. Bà cũng hứa sẽ thắt chặt nhập cư, “phục hồi chủ quyền quốc gia về tiền tệ, kinh tế, lập pháp và lãnh thổ”. Bà Le Pen trở thành ứng viên nặng ký trong cuộc đua giành ghế tổng thống sau khi những bất ổn liên tục ập đến châu Âu vài năm qua và cuộc khủng hoảng tài chính gần một thập niên của Pháp. Kể từ đầu năm 2015 đến nay, Pháp trở thành mục tiêu của khủng bố với hơn 200 người Pháp đã thiệt mạng. Ứng viên tổng thống theo lập trường cực tả Jean-Luc Melenchon cũng từng chỉ trích EU và kêu gọi cải cách, trong đó có việc thương lượng lại các hiệp định của châu Âu.
Pháp là nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực đồng tiền chung euro và lớn thứ bảy thế giới. Pháp cũng là một thành viên sáng lập EU và cùng với Đức, là một đầu tàu kinh tế của khối. Frexit xảy ra sẽ được coi là một đòn chí mạng với EU. Báo The Guardian dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao nhận định EU sẽ không sống sót nếu như Frexit xảy ra, mặc dù việc này “dường như khá xa”. Hãng tin Reuters cũng cho rằng kết quả bầu cử sẽ được coi là dấu hiệu của việc chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy hay bắt đầu đi xuống. Chủ nghĩa dân túy được cho là nguyên nhân dẫn đến việc Anh rời EU và chiến thắng của tỉ phú Donald Trump ở Mỹ.
Cuộc bầu cử Pháp diễn ra trong bối cảnh an ninh được siết chặt sau vụ nổ súng trên đại lộ Champs-Elysées ở Paris hôm 20-4 làm một cảnh sát thiệt mạng. Pháp đã huy động toàn bộ lực lượng an ninh, bao gồm cả các đơn vị tinh nhuệ đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử. Bộ Nội Vụ Pháp cũng đã thông báo ngoài lực lượng chống khủng bố Sentinelle lên đến 10.000 người, hơn 50.000 cảnh sát và hiến binh sẽ được huy động để bảo đảm an ninh tại 67.000 điểm bỏ phiếu trên toàn nước Pháp.