Ngoài một loạt vấn đề trong nước như an sinh xã hội, chống khủng bố, chính sách thuế, hai ứng cử viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen cũng đã thể hiện sự bất đồng quan điểm trong mối quan hệ hợp tác với chính phủ Nga.
Bà Marine Le Pen, người được biết đến với tư tưởng chống toàn cầu hóa và lệ thuộc vào NATO, cho rằng lập trường của Pháp với Nga nên dựa trên lịch sử quan hệ song phương tích cực giữa hai nước.
“Chúng ta không có lý do tiến hành chiến tranh lạnh với Nga. Nhưng ta lại có đầy đủ lý do để xây dựng quan hệ về ngoại giao, thương mại và chiến lược với nước này, bởi vì họ là một quốc gia vĩ đại” - bà Le Pen tranh luận, đồng thời nhấn mạnh lợi ích của Pháp trong việc “cân bằng mối quan hệ Nga-Mỹ”.
Theo nữ ứng viên cực hữu, nước Pháp hoàn toàn có quyền quyết định mối quan hệ của mình với Nga. Bà Le Pen khẳng định bà “không quan tâm mối quan hệ giữa Nga và Mỹ thế nào” nhưng cũng bày tỏ hy vọng rằng đó sẽ là một “mối quan hệ tốt đẹp nhất thế giới”.
Hai ứng cử viên tổng thống Pháp Marine Le Pen (phải) và Emmanuel Macron có những quan điểm rất khác nhau về quan hệ Paris-Moscow. Ảnh: LEFIGARO
Ứng viên đối thủ là ông Emmanuel Macron cũng thừa nhận rằng: Vì Nga có liên can đến cuộc xung đột ở Syria và Ukraine nên Paris cần phải đàm phán với Moscow. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh lập trường cứng rắn trong việc hợp tác với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Tôi sẽ không chấp nhận việc ông Putin có quyền quyết định các hành động của nước Pháp. Chúng ta sẽ không quy phục các giá trị của Nga hay của ông Putin” - ứng viên ôn hòa nhấn mạnh, đồng thời cáo buộc bà Le Pen đang hành động theo chỉ thị của tổng thống Nga. Ông Macron trước đó từng cáo buộc các phương tiện truyền thông Nga đã lan truyền các thông tin sai lệch nhằm phá hoại chiến dịch tranh cử của ông.
Đáp lại, bà Le Pen cáo buộc ông Macron nếu được đắc cử sẽ tuân theo bất kỳ chính sách nào do Đức, đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU), đề ra. “Trong bất kỳ trường hợp nào, nước Pháp cũng sẽ do hai người phụ nữ lãnh đạo, tôi hoặc bà Merkel” - nữ ứng viên cực hữu mỉa mai. Trong khi đó ông Macron gọi những cáo buộc này là “hết sức vô lý”.
Cuộc tranh luận kéo dài hơn hai tiếng rưỡi này là cơ hội cuối cùng để hai ứng cử viên thu hút sự ủng hộ của cử tri trước ngày bầu cử chính thức 7-5.
Theo Reuters, một cuộc thăm dò do hãng Elabe thực hiện cho thấy 63% người xem thấy rằng ông Macron thuyết phục hơn bà Le Pen. Cuộc thăm dò gần nhất với cử tri cũng cho thấy ông Macron đang dẫn trước bà Le Pen với tỉ lệ 59%-41%. Điều này củng cố triển vọng về chiến thắng của ông trong cuộc đua vào điện Élysée cuối tuần này.
Theo chuyên gia Jean Chiche tại Học viện Chính trị Parism, bà Le Pen rất khó đuổi kịp tỉ lệ 60% cử tri ủng hộ, bởi khoảng cách này lớn và cần khoảng sáu triệu cử tri thay đổi ý kiến thì mới có hy vọng.
Tuy nhiên, với một cuộc đua tranh cử tổng thống Pháp đầy ắp những bất ngờ, nhiều người cho rằng bà Le Pen vẫn có khả năng bắt kịp đối thủ nhờ những chính sách trấn an cử tri giữa bối cảnh thế giới có nhiều biến động.
Dân Nga thích bà Le Pen Tại Nga, gần 2/3 số người được khảo sát nói rằng sẽ ủng hộ bà Le Pen làm tổng thống Pháp và chỉ có 8% ủng hộ ông Macron làm người lãnh đạo nước Pháp. Một cuộc thăm dò do cơ quan xã hội học VTSIOM của Nga thực hiện cũng cho thấy có một nửa số người Nga đang theo dõi các sự kiện của cuộc bầu cử tổng thống Pháp, trong đó khoảng 57% người nghĩ rằng kết quả cuộc bầu cử là quan trọng đối với Nga. Theo ông Valeriy Fedorov, Giám đốc Trung tâm VTSIOM, kết quả cuộc thăm dò là điều dễ hiểu và đáng kỳ vọng bởi quan điểm chống châu Âu và chống NATO của bà hoàn toàn phù hợp với các mối quan tâm của Nga và bà luôn kêu gọi quan hệ gần gũi hơn với Tổng thống Vladimir Putin. ________________________________ Ông Putin đã khiến những mâu thuẫn leo thang. Với những cuộc xung đột ở Ukraine và Syria, Nga là một phần của giải pháp. Ứng cử viên tổng thống Pháp EMMANUEL MACRON |