Thông thường, cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp (DN) hoạt động ngày đêm để chuẩn bị cho các đơn đặt hàng thị trường mùa Tết. Thế nhưng hiện nay hàng loạt DN ngành nhựa lại rơi vào cảnh “nhàn rỗi” phải cho công nhân nghỉ việc, dây chuyền sản xuất ngừng hoạt động.
Thiệt hại lớn
Mấy tháng nay Công ty Nhựa Lê Trần, một trong những ông lớn trong ngành nhựa Việt Nam với hơn 20.000 lao động không có việc làm, công suất nhà máy giảm tới 90% vì không đủ nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Trần Vũ Lê, Tổng Giám đốc Công ty Nhựa Lê Trần, là do tồn đọng phế liệu tại cảng quá nhiều và các hãng tàu không cung cấp container. Hệ quả là dù công ty có đủ điều kiện nhập phế liệu nhưng không thể nhập được.
Giải thích rõ hơn về vấn đề này, ông Trần Vũ Lê cho biết: “Chúng tôi muốn nhập phế liệu về để sản xuất ra các sản phẩm như bàn, ghế, tủ… nhựa thì phải thuê được container của các hãng tàu, thậm chí sẵn sàng đặt cọc 3.000 USD/container nhưng các hãng tàu vẫn không đồng ý cấp container. Lý do mà các hãng tàu đưa ra là lượng container phế liệu hiện nay còn tồn đọng tại các cảng quá lớn, không giải phóng và không rút ra được. Mặt khác, phía các hãng tàu cũng sợ nếu cung cấp container cho DN thuê nhưng khi nhập phế liệu về bị ách lại thì lại tiếp tục tồn đọng nhiều thêm. Hệ quả cuối cùng là công ty không có nguyên liệu là phế liệu để sản xuất ra hàng hóa thành phẩm.
Chính vì vậy hiện nay hàng chục ngàn công nhân của Công ty Nhựa Lê Trần không có việc làm giữa mùa cao điểm làm ăn. Đáng lo ngại hơn là công ty đang trước nguy cơ phải bồi thường hợp đồng, chịu phạt vì không có hàng thành phẩm để giao theo hợp đồng đã ký với khách hàng. “Ước tính năm nay chúng tôi thiệt hại hơn 10 triệu USD, tương đương hơn 230 tỉ đồng, vì không có nguyên liệu để sản xuất” - ông Trần Vũ Lê than thở.
Chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Thiện Hoàng Linh, Giám đốc Công ty Nhựa Khánh Quỳnh Long An, cho biết: Thiệt hại của công ty hết sức nặng nề. Cụ thể, hiện nay có khoảng 20 container phế liệu nhập khẩu của công ty đang tồn đọng tại cảng Cát Lái, tính ra mỗi ngày thiệt hại trên 1 tỉ đồng, mỗi tháng trên 30 tỉ đồng. Đó là chưa kể hàng trăm công nhân không có việc làm, trong khi chi phí lãi vay ngân hàng vẫn phải trả. Không chỉ hai công ty trên mà hầu hết các đơn vị ngành nhựa cũng rơi vào tình cảnh lao đao.
Hàng ngàn container phế liệu đang tồn đọng tại các cảng (ảnh lớn). Nhà máy của Công ty Nhựa Lê Trần ngừng hoạt động vì không có nguyên liệu sản xuất (ảnh nhỏ). Ảnh: QH
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) mới đây cũng có công văn gửi Bộ TN&MT và Tổng cục Hải quan kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc trong thủ tục nhập khẩu sắt thép vụn làm nguyên liệu sản xuất. Bởi VSA cho rằng có những văn bản quản lý nhà nước bị chồng chéo, phủ định lẫn nhau trong quản lý phế liệu.
Ví dụ, liên quan về kiểm tra lô hàng phế liệu sắt thép nhập, sau khi được cơ quan chuyên môn cấp chứng thư giám định, Sở TN&MT địa phương mới ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng lô hàng. Từ kết quả kiểm tra nhà nước này, cơ quan hải quan mới cho phép dỡ hàng xuống cảng hay không. Nhưng vấn đề là theo quy định, muốn có chứng thư giám định thì hàng hóa phải được dỡ ra khỏi tàu hay container để tổ chức giám định.
Từ phân tích trên, VSA kiến nghị cho DN đưa hàng phế liệu về lưu kho trong khi chờ thủ tục thông quan và một số thủ tục hành chính khác.
“Chưa thể giải quyết nhanh được”
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Tổng Công ty Tân Cảng giải thích: Nếu tiếp tục tiếp nhận phế liệu nhập khẩu trong khi chưa giải phóng được các container đang tồn đọng thì lại tiếp tục gây ùn ứ tại cảng nhiều hơn.
Trong khi đó, ông Lê Đình Lợi, Cục phó Cục Hải quan TP.HCM, cho biết hiện nay riêng tại cảng Cát Lái còn tồn đọng khoảng 2.500 container phế liệu. Tuy nhiên, phế liệu nhập khẩu tồn đọng không chỉ xảy ra ở TP.HCM mà còn ở nhiều cảng trên toàn quốc như cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Hải Phòng.
Có nhiều nguyên nhân khiến phế liệu tồn đọng, ùn ứ tại cảng nhiều. Ví dụ, DN chỉ được cấp phép nhập 1.000 tấn phế liệu nhưng lại nhập tới 1.200 tấn; phế liệu nhập khẩu không đủ điều kiện được thông quan... Bên cạnh đó, việc giải phóng container tồn đọng chậm vì phải thực hiện đúng quy trình, mất quá nhiều thời gian.
Cụ thể, đối với hàng hóa phế liệu tồn đọng trên 90 ngày, hải quan phải thực hiện theo Thông tư 203/2014 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng. Theo đó, nếu DN không đến nhận hàng thì hải quan phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Đối với hàng hóa phế liệu không có chủ hàng (vô chủ) đến nhận thì đưa vào xác lập quyền sở hữu toàn dân rồi mới đem ra đấu thầu…
“Qua rất nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian nên xử lý hàng phế liệu tồn đọng ở cảng vẫn chưa thể giải quyết nhanh được” - ông Lợi giải thích.
Cục phó Cục Hải quan TP.HCM Lê Đình Lợi cho biết thêm: Đơn vị này đã thành lập hội đồng xử lý hàng tồn đọng tại cảng. Theo đó, trong quá trình mở kiểm tra, hội đồng sẽ phân loại phế liệu, sau đó trưng cầu giám định từng loại để có căn cứ xử lý.
Đối với phế liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng nhập khẩu sẽ thực hiện bán thanh lý; đối với phế thải, phế liệu không đạt tiêu chuẩn sẽ buộc các hãng tàu vận chuyển đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định.
Khẩn trương đề xuất phương án giải quyết Theo Tổng cục Hải quan, thực tế kiểm tra cho thấy có DN không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy phép hết hạn nhưng vẫn lách luật, liên hệ với các hãng tàu dùng danh nghĩa hay giấy phép nhập khẩu của DN khác để nhập phế liệu về Việt Nam. Thậm chí sau khi đưa hàng về cảng, các DN không đủ điều kiện thông quan đã “bỏ của chạy lấy người”, từ chối nhận hàng khiến số lượng container phế liệu tồn đọng nhiều. Để khắc phục tình trạng này, Tổng cục Hải quan khẳng định sẽ tiếp tục siết chặt việc nhập khẩu phế liệu và sẽ cương quyết yêu cầu phải tái xuất đối với các container phế liệu nhập khẩu trái phép; tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc các cục hải quan tỉnh/TP, DN kinh doanh cảng trong việc thực hiện thủ tục hải quan cũng như phân loại các lô hàng phế liệu tồn đọng để có giải pháp xử lý phù hợp. Tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2018, Chính phủ yêu cầu Bộ TN&MT phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung làm rõ nhu cầu nhập khẩu phế liệu về Việt Nam làm nguyên liệu phục vụ cho các hoạt động sản xuất; khẩn trương báo cáo Thủ tướng danh mục phế liệu được phép nhập khẩu; nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết, xử lý các lô hàng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển. |