Mắt mờ: Không cấp bằng lái!

“Việc quy định thị lực kém không được lái xe là để đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân người lái và cho cộng đồng. Nếu như thị lực thấp quá, không nhìn được đường thì mất an toàn”. Ông Lê Tuấn Đống - Trưởng phòng Phục hồi chức năng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), thành viên ban soạn thảo Thông tư liên tịch 24/2015 của Bộ Y tế và Bộ GTVT về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 20-9.

Thị lực kém, lái xe không an toàn

Ông Đống cho biết thông tư trên có hiệu lực từ ngày 10-10. Theo đó, người muốn thi lấy bằng lái A1 (được phép lái xe máy đến dưới 175 cm3) sẽ bị từ chối dự thi nếu khi đeo kính vào mà thị lực nhìn xa của cả hai mắt (hoặc nếu còn một mắt) dưới 4/10. Ở nhóm áp dụng với lái xe hạng B1 (được lái ô tô chở người dưới chín chỗ, xe tải dưới 3,5 tấn) thì thị lực nhìn xa được nới ra một chút. Cụ thể, người lái xe sẽ không đủ điều kiện nếu thị lực nhìn xa hai mắt (hoặc nếu còn một mắt) dưới 5/10, kể cả khi đã đeo kính.

“Các tiêu chuẩn về sức khỏe áp dụng cho các lái xe các hạng còn lại (hạng A2, A3, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE) khắt khe hơn vì đây là nhóm kinh doanh vận tải. Cụ thể, điều kiện về thị lực nhìn xa tính cho từng mắt (mắt tốt dưới 8/10, mắt kém dưới 5/10, kể cả đeo kính…) thì không đủ tiêu chuẩn lái xe” - ông Đống nói.

Cũng theo ông Đống, quy định mới còn “loại bỏ” những người bị rối loạn nhận biết ba màu cơ bản là đỏ, vàng, xanh lá cây - là ba màu trong đèn tín hiệu giao thông thì cũng không được phép lái xe.

 
Đăng ký khám sức khỏe tại Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe ở TP.HCM. Ảnh: HTD

Tiêu chuẩn mới, tạo điều kiện hơn

Theo ông Lê Tuấn Đống, thông tư được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn đã nghiên cứu ở các nước có điều kiện giao thông giống Việt Nam (các nước Đông Nam Á, Thái Lan, Singarore…) và tham khảo thêm điều kiện ở một số nước như Úc, Mỹ, Pháp… Ngoài ra khi xây dựng các quy định mới còn tham khảo chuyên gia y tế ở tất cả chuyên khoa, trong đó có chuyên gia nhãn khoa. “Các chuyên gia nhãn khoa cho rằng nếu thị lực đã được điều chỉnh bằng kính mà vẫn dưới 4/10 (với bằng lái A1) thì khoảng cách mắt nhìn rất ngắn, chỉ vài mét nên không thể xử lý các tình huống khi lái xe. Đặc biệt, khi trời tối, không đủ ánh sáng thì còn nguy hiểm hơn vì mắt không nhìn thấy đường ở khoảng cách gần được. Tóm lại, các quy định này nhằm mục đích bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông” - ông Đống giải thích.

Ông Đống cho rằng Bộ Y tế và Bộ GTVT ban hành tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe lần này đã mở rộng và tạo điều kiện cho nhiều người. Bởi lẽ tiêu chuẩn sức khỏe mới của người lái xe đã bỏ quy định về cân nặng, thể lực, chiều cao, vòng ngực, tay sáu ngón không đủ điều kiện lái xe.

Một số bệnh không được lái xe

- Không cấp bằng lái hạng A1 cho người bị rối loạn tâm thần cấp, rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi, liệt vận động từ hai chi trở lên, cụt hoặc mất chức năng một bàn tay hoặc một bàn chân và một trong các tay chân còn lại không toàn vẹn...

- Không cấp bằng lái hạng B1cho người bị rối loạn tâm thần cấp tính đã chữa khỏi nhưng chưa đủ sáu tháng, rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi, động kinh còn cơn trong vòng 24 tháng gần nhất, liệt vận động từ hai chi trở lên, rối loạn cảm giác sâu, chóng mặt do các nguyên nhân bệnh lý, các bệnh gây khó thở mức độ II trở lên, cụt hoặc mất chức năng một bàn tay hoặc một bàn chân và một trong các tay chân còn lại không toàn vẹn...

- Không cấp bằng lái các hạng A2, A3, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE cho người bị các loại bệnh đã nêu. Ngoài ra quy định còn loại những người bị rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi nhưng chưa đủ 24 tháng, rối loạn tâm thần mạn tính, động kinh, liệt vận động một chi trở lên, chóng mặt do các nguyên nhân bệnh lý, bị vẹo cột sống quá mức…

(Trích Thông tư liên tịch 24/2015 của Bộ Y tế và Bộ GTVT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới