Chị Nguyễn Thị Kim Hoa (đường 42, khu phố 8) cho biết: “Vườn mai nhà tôi rộng hơn 3.700 m2 với khoảng 2.000 gốc. Khi bờ bao bị vỡ, nước tràn vào ngập đến hơn nửa cây. Dù chính quyền đã đắp lại bờ bao nhưng đến nay nước chưa rút hết. Mai bị ngâm nước nên chết dần. Mỗi dịp tết, gia đình tôi thu về hàng trăm triệu đồng nhưng năm nay sẽ bị mất trắng”.
“Những gốc mai trồng ngoài vườn coi như hư hết, không thu hoạch được gì. Còn những gốc tôi cho vào chậu thì chỉ thu được 80%, 20%, còn lại bị nước ngập cũng rụng lá và ra hoa sớm nên không thể bán được. UBND quận thông báo sẽ có hướng hỗ trợ nhưng đến nay chưa thấy động tĩnh gì” - anh Dũng, chủ một vườn mai, nói.
Anh Hoàng, người trồng đến 500 gốc mai với hàng trăm triệu đồng đầu tư có nguy cơ mất trắng, buồn bã nói: “Gia đình tôi đã cố gắng di chuyển một vài gốc mai đến nơi khô ráo, hy vọng vớt vát được một chút. Nhưng do hầu hết gốc mai, vật dụng đã bị ngâm nước quá lâu nên không thể cứu vãn”.
Theo ghi nhận của PV, hàng chục vườn mai của người dân tại đây có hiện tượng rụng lá, nhiều cây đã chết, những cây còn lại đang chết dần. Mọi năm, đây là thời điểm sôi động, các nhà vườn tất bật chăm sóc mai kiểng, chuẩn bị phục vụ tết. Nhưng năm nay, không khí ảm đạm đang bao trùm lên hàng ngàn hecta mai ngập nước, úa màu.
Ông Vũ Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, cho biết: “UBND quận đã chỉ đạo địa phương thống kê mức độ thiệt hại của người dân, làm báo cáo TP, đề xuất hướng giải quyết. Theo Nghị định 41 của TP về chế độ, chính sách và mức hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn TP.HCM và các thông tư của Bộ Nông nghiệp, chỉ có các loại cây nông nghiệp như lúa, bắp, hoa màu… mới được hỗ trợ khi xảy ra thiên tai, lũ lụt, cây mai không nằm trong danh mục này”.
MINH QUÝ