Vụ máy bay Nga chở tù binh Ukraine rơi ở tỉnh Belgorod (Nga, gần biên giới Ukraine) trong ngày 24-1 khiến căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng không ngừng leo thang.
Nga tố Ukraine đứng sau vụ việc
Theo thông tin từ phía Nga, vụ máy bay Nga chở tù binh Ukraine rơi xảy ra lúc 11 giờ ngày 24-1 (giờ địa phương). Chiếc máy bay vận tải Il-76 đang chở tù binh Ukraine đến thị trấn biên giới Kolotilovka (tỉnh Belgorod) để chuẩn bị cho hoạt động trao đổi tù binh giữa Moscow và Kiev thì bị rơi. Bộ Quốc phòng Nga cho biết máy bay đã bốc cháy và tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ, khiến toàn bộ 74 người trên máy bay thiệt mạng (trong đó có 65 tù binh Ukraine, 6 thành viên phi hành đoàn người Nga và 3 binh sĩ Nga).
Ngay sau khi máy bay Nga chở tù binh Ukraine rơi, hôm 24-1, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc phía Ukraine đã tấn công chiếc máy bay, lên án vụ việc là hành vi khủng bố, coi thường tính mạng người dân, và cho rằng cuộc tấn công nhằm mục tiêu phá hoại nước Nga. Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Andrei Kartapolov cho rằng máy bay trên đã bị quân Ukraine tấn công bằng hệ thống phòng không của Mỹ hoặc Đức.
Phía Moscow cáo buộc Kiev đã sử dụng tên lửa phòng không, có thể là Patriot (do Mỹ cung cấp) hoặc Iris-T (do Đức cung cấp) để nhắm mục tiêu vào máy bay quân sự. Đài RT ngày qua cũng dẫn lại thông tin từ Đài phát thanh Pháp Radio France rằng máy bay đã trúng tên lửa Patriot do lực lượng Ukraine bắn, song không nêu chi tiết. Chưa có phản hồi từ quân đội Pháp. Theo ông Kartapolov, Nga đã thông báo cho Ukraine 15 phút trước khi máy bay này bay vào khu vực và khẳng định rằng Kiev biết rõ máy bay này chở tù binh.
Đến ngày 25-1, phía Nga một lần nữa khẳng định Ukraine đứng sau vụ việc. Phát biểu tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Phó đại diện thường trực Nga tại LHQ Dmitry Polyansky nói rằng đây là hành động “tội ác có chủ ý, được tính toán trước” của chính quyền Kiev, hãng thông tấn TASS đưa tin. Phiên họp của HĐBA được triệu tập theo yêu cầu của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, người gọi vụ tai nạn là một “cuộc tấn công khủng bố”.
“Chúng tôi kêu gọi các thành viên của HĐBA và lãnh đạo LHQ lên án mạnh mẽ vụ này và tất cả cuộc tấn công khủng bố khác của chính quyền Kiev. Sự im lặng trong bối cảnh này sẽ chỉ khiến chính quyền (Tổng thống Volodymyr) Zelensky ngày càng tin rằng họ sẽ không bị trừng phạt” - nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh, đồng thời tuyên bố rằng Moscow sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng “tất cả người đứng sau tội ác này và các tội ác khác của Ukraine phải chịu hình phạt mà họ đáng phải chịu”.
Nga đã tìm thấy cả hai hộp đen của máy bay Il-76 và đang tiến hành giải mã, theo TASS. Bộ Quốc phòng Nga cho biết các đoạn ghi âm đều nguyên vẹn và dự kiến sẽ sớm biết nguyên nhân vụ tai nạn.
Ukraine bác bỏ cáo buộc, kêu gọi điều tra minh bạch
Ngay sau khi bị Nga lên tiếng cáo buộc lần đầu tiên hôm 24-1, Tổng thống Ukraine Zelensky nhanh chóng đáp trả, tố ngược Moscow đang “đùa giỡn với mạng sống của các tù nhân chiến tranh Ukraine”. Ông cũng đề nghị khởi động cuộc điều tra quốc tế về vụ việc.
Cục An ninh Ukraine (SBU) cũng cho biết đã mở điều tra hình sự về vụ máy bay rơi và sẽ xem xét “những hành vi có thể vi phạm luật pháp và quy định chiến tranh”. Chính quyền Kiev cũng không xác nhận có tù binh Ukraine trên máy bay, đồng thời bày tỏ hoài nghi về danh sách tù binh trao đổi mà phía Nga công bố, theo hãng Ukrinform.
Ngày 25-1, Ủy viên phụ trách các vấn đề về quyền con người của Quốc hội Ukraine Dmytro Lubinets cho biết rằng danh sách các tù binh Ukraine được cho có mặt trên máy bay Il-76 bị bắn rơi mà Nga công bố bao gồm tên của những người đã được trao đổi trước đó. Theo Ukrinform, các nguồn tin của quân đội Ukraine cho biết rằng máy bay này chở tên lửa cho hệ thống phòng không S-300 mà các lực lượng Nga sử dụng để pháo kích ồ ạt vào tỉnh Kharkiv và các khu vực biên giới khác của Ukraine.
Ông Lubinets cũng nhấn mạnh phía Kiev sẽ “làm mọi thứ có thể” và yêu cầu điều tra quốc tế về vụ việc. Ông cho biết sẽ gửi thư tới LHQ và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế kêu gọi mở cuộc điều tra. “Hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy có nhiều người trên máy bay Il-76, cũng như họ có phải là công dân Ukraine hay không. Ukraine yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế minh bạch về vụ rơi máy bay này” - ông Lubinets tuyên bố.
Cũng tại cuộc họp khẩn của HĐBA, Phó Đại sứ Ukraine tại LHQ Khrystyna Hayovyshyn nói rằng các máy bay quân sự của Nga như Il-67 là “mục tiêu quân sự hợp pháp”. Bà nhấn mạnh Ukraine đã làm tròn nghĩa vụ đảm bảo an toàn cho tù binh Nga, song phía Nga lại không làm được như vậy.
Liên quan thông tin Nga đã báo cho Ukraine trước khi máy bay bay vào khu vực, bà nói rằng Ukraine hoàn toàn không nhận được thông tin về việc kiềm chế hoạt động ở Belgorod, nói rằng những sai sót an ninh này có thể cho thấy đó là “những hành động cố ý của Nga nhằm gây nguy hiểm đến tính mạng và sự an toàn của các tù nhân”. Tình báo quân đội Ukraine cho biết những cáo buộc của Nga có thể là “một hành động được lên kế hoạch nhằm gây bất ổn cho tình hình ở Ukraine”, theo hãng tin Reuters.•
Liên hợp quốc kêu gọi các bên kiềm chế
Phát biểu tại cuộc họp khẩn của HĐBA ngày 25-1, Phó Tổng Thư ký LHQ Rosemary DiCarlo nói rằng LHQ không có thẩm quyền xác minh những báo cáo này cũng như hoàn cảnh xảy ra vụ tai nạn, tờ The Kyiv Independent đưa tin.
“Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Nga đang triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và chiến sự đang diễn ra. Để tránh leo thang hơn nữa, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế các hành động, lời nói hoặc cáo buộc có thể khiến leo thang cuộc xung đột vốn đã nguy hiểm” - ông DiCarlo nói.