'Mẹ cầu cứu cô giáo vì không hiểu con nói gì!'

(PLO)-  “Cô ơi, bé nói gì mẹ không hiểu. Cô giúp mẹ với!” - cô Đàm Thị Mỹ Ngọc, giáo viên Trường Khiếm thính Hy Vọng, quận 6 kể lại câu chuyện của mình để thấy được nỗi vất vả khi dạy trẻ khuyết tật cũng như sự thiệt thòi của các em.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 14-6, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức lễ tổng kết hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi chủ đề giáo dục khuyết tật cấp TP.

Chia sẻ về công việc của mình, cô Đàm Thị Mỹ Ngọc, giáo viên Trường Khiếm thính Hy Vọng, quận 6 cho biết, biết sử dụng ngôn ngữ ký hiệu nên cô dễ dàng trao đổi với học trò trong quá trình dạy cũng như nắm bắt tâm tư của các em.

Để đồng hành cùng các em, phụ huynh cũng phải học ngôn ngữ ký hiệu. Nếu không gia đình rất khó hiểu được con em đang nói gì. Vì thế, phụ huynh thường gọi điện qua zalo để hỏi giáo viên, con mình đang muốn điều gì.

“Cô ơi, con bé nói gì mẹ không thể hiểu. Bé cứ la hét. Cô giúp mẹ với!", phụ huynh cầu cứu. "Chuyển máy qua bé, tôi sẽ nghe bé nói và trao đổi lại” - cô Ngọc yêu cầu. Năm phút sau phụ huynh thông báo bé đã ngoan ngoãn.

Tại lễ tổng kết sáng nay, Sở GD&ĐT có tổ chức toạ đàm để các giáo viên chia sẻ những thuận lợi cũng như khó khăn trong quá trình dạy dỗ các em khuyết tật. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Tại lễ tổng kết sáng nay, Sở GD&ĐT có tổ chức toạ đàm để các giáo viên chia sẻ những thuận lợi cũng như khó khăn trong quá trình dạy dỗ các em khuyết tật. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

“Bé quậy phá do mẹ hứa cuối tuần dẫn đi siêu thị nhưng lại không thực hiện. Do đó, bé ấm ức nhưng biểu đạt như thế nào mẹ cũng không hiểu" - cô Ngọc nói và mong muốn các cấp sẽ có nhiều chính sách hơn dành cho các con và giáo viên dạy trẻ khuyết tật sẽ tận tâm hơn để các bé sớm hoà nhập với xã hội.

Là giáo viên đạt giải nhất hội thi sáng nay, cô Đinh Lan Phương, giáo viên Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu cũng cho rằng dạy trẻ khuyết tật cần sự cảm thông, yêu thương và phối hợp chặt chẽ từ phía gia đình.

Cô Đinh Lan Phương xuất sắc giành giải nhất hội thi. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cô Đinh Lan Phương xuất sắc giành giải nhất hội thi. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

16 năm gắn bó với trẻ khuyết tật, đến bây giờ, cô vẫn thấy hạnh phúc khi được làm đúng nghề và được ngày ngày trò chuyện, dạy dỗ các em. Theo cô Phương, với trẻ khuyết tật, giáo viên không chỉ giảng dạy ở trường, còn phải theo sát và hỗ trợ em trong cuộc sống ở nhà.

“Có năm tôi dạy một bé chuyển từ Hà Nội vào. Bố mẹ vẫn công tác ngoài kia, gửi bé cho cô giúp việc, một tuần chỉ ghé hai ngày. Do đó, ngoài việc dạy bé ở trường, tôi còn dành thời gian đến tận nhà hướng dẫn bé cách ăn uống, cầm đũa, mặc quần áo tắm rửa, giúp con học các kỹ năng sống” - cô Phương chia sẻ.

Dạy trẻ khuyết tật khó nhất là làm sao phụ huynh hiểu được tình trạng của con mình và cùng nhau phối hợp với nhà trường để giúp các con phát triển. “Dạy các con, ngoài sự cảm thông, tình yêu, giáo viên phải luôn nỗ lực tự học, bồi dưỡng chuyên môn để nâng cao năng lực của mình” - cô Phương nói thêm.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM tặng bằng khen cho các giáo viên đạt giải. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM tặng bằng khen cho các giáo viên đạt giải. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Phát biểu tại lễ tổng kết, ông Đỗ Minh Hoàng Đức, chuyên viên Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, toàn TP có 33 đơn vị giáo dục đặc biệt, trong đó có 21 đơn vị công lập và 12 đơn vị ngoài công lập.

Các phòng GD&ĐT quận/huyện đã tổ chức hội thi và chọn ra 34 giáo viên dạy trẻ khuyết tật tham gia Hội thi cấp TP. Hội thi gồm 2 vòng.

Vòng 2 đã diễn ra thành công với sự tham gia của 30 giáo viên, tất cả đều đáp ứng đủ điều kiện để được công nhận danh hiệu giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi với chủ đề “giáo dục khuyết tật” cấp TP.

Ngoài ra, 14 giáo viên đã được giám đốc Sở GD&ĐT tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc khi tham gia hội thi.

"Hội thi đã tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích sự nỗ lực của các giáo viên để nâng cao chất lượng giảng dạy; tìm kiếm và nghiên cứu các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiệu quả nhằm cải thiện kỹ năng, kinh nghiệm trong công tác giảng dạy học sinh khuyết tật" - ông Đức nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm