Ghé thăm bà Tôn Nữ Ánh Tuyết (72 tuổi, thường gọi là mệ Tuyết, ngụ phường Thủy Xuân, TP Huế) đúng ngày nhóm thiện nguyện của mệ đi phát quà ở Bệnh viện (BV) Trung ương Huế. Vừa nghe nhắc đến việc làm từ thiện, mệ nhanh nhảu nói:
“Mệ đưa con số điện thoại của các anh đang giúp mệ đi phát quà, con gọi coi họ phát xong chưa rồi con chạy tới cùng mọi người. Lâu rồi mệ không trực tiếp đi phát được, một phần vì mệ đau chân, đi lại khó khăn, phần nữa nếu mệ đi thì không có ai bán hàng. Khách đi qua không thấy mệ ở nhà, họ không có vô quán con ơi!”.
Bà Tôn Nữ Ánh Tuyết, 72 tuổi, thường gọi là mệ Tuyết. Ảnh: NHƯ LOAN |
Quán của mệ Tuyết ở 69 Huyền Trân Công Chúa, phường Thủy Xuân, TP Huế. |
Ám ảnh vì ánh mắt của bệnh nhân ung thư
Ngày nào cũng vậy, bà Tuyết thức dậy từ rất sớm để dọn hàng, bày những đóa hương nhiều sắc màu ra trước sân quán, điều mà cụ nghĩ đến mỗi ngày là làm sao để bán được nhiều hàng hơn để mỗi tháng có đủ tiền giúp đỡ những bệnh nhân ung thư khó khăn.
Bà kể sở dĩ bà đến với việc làm thiện nguyện này là bởi những người thân trong gia đình bà cũng đã từng mắc ung thư, có người không thể qua khỏi “cửa tử” vì căn bệnh quái ác. Chính nỗi đau mất người thân và những khó khăn bản thân đã từng phải vượt qua, bà càng thấu hiểu và muốn được góp sức giúp nhiều hoàn cảnh qua cơn bĩ cực.
Chưa hết, tám năm về trước, trong lần vào BV nhận kết quả khám bệnh cùng bạn thân, khi bạn của bà biết không mắc ung thư đã chạy tới, cả hai ôm nhau khóc vì mừng. Qua đôi vai của người bạn, bà bị ám ảnh khi nhìn thấy những ánh mắt đau khổ, tuyệt vọng của bệnh nhân ung thư trên hành lang khoa ung bướu.
Toàn bộ số tiền kiếm được nhờ việc bán hương, bà để hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư đang điều trị tại BV Trung ương Huế.
Không dừng lại ở đó, bà lại tiếp tục nhìn thấy hình ảnh một phụ nữ dắt theo một đứa bé bị mổ mất một mắt, một mắt còn lại sưng tấy đỏ, đứa bé khóc liên tục, bà lui tới hỏi thăm và được biết bé bị ung thư giác mạc. Khi ấy trong người bà có 120.000 đồng, bà liền dành số tiền ít ỏi đó cho mẹ đứa trẻ và nói mua gì cho bé ăn.
Chính tiếng khóc ngặt nghèo cùng ánh mắt vô hồn của các bệnh nhân ung thư đã thôi thúc bà Tuyết nhất định phải làm gì đó để giúp họ. Nghĩ là làm, sau khi trở về từ BV, bà bắt tay vào kế hoạch bán hàng và dành toàn bộ tiền lãi để gây dựng quỹ giúp đỡ bệnh nhân mắc ung thư.
Bà kể: “Mệ bán rẻ và lời cũng rất ít, một hộp trầm hương bên ngoài họ bán 500.000-600.000 đồng nhưng mệ chỉ bán 105.000 đồng, toàn bộ tiền lãi dù rất nhỏ nhưng góp gió thành bão, sẽ giúp được nhiều người”.
Toàn bộ số tiền kiếm được nhờ việc bán hương, bà để hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư đang điều trị tại BV Trung ương Huế, mỗi tháng họ lại nhận được một bì thư có 100.000 đồng và chút sữa, bánh kẹo của bà Tuyết.
Được nhiều người tự nguyện đồng hành
Xúc động trước tấm lòng thiện nguyện của bà Tuyết, nhiều người là công an, PV, sinh viên, giáo viên, luật sư, bác sĩ cùng những người hảo tâm ở TP Huế thường xuyên đồng hành cùng bà để giúp đỡ các bệnh nhân ung thư.
Hành trình làm thiện nguyện không đơn độc
Anh Nguyễn Văn Tân (đang công tác tại Công an huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế) nói: “Mình mới đồng hành với mệ được một, hai lần gần đây vì cũng mới vào Huế công tác. Trước đó, mình có vài lần qua chỗ mệ chơi, trò chuyện với mệ, mình thấy khâm phục và trân quý nghị lực với tấm lòng của mệ nhiều hơn, bản thân cũng chỉ góp sức nhỏ để làm cầu nối cho mệ và các mạnh thường quân giúp được người mắc bệnh hiểm nghèo. Mình vào đây công tác hai năm thôi nhưng sẽ cố gắng đồng hành với mệ nhiều nhất có thể”.
Theo lời mệ Tuyết, hành trình làm thiện nguyện của bà không hề đơn độc, ngoài các thành viên đang học tập, công tác trong TP Huế đi cùng đến BV thì bà còn được rất nhiều mạnh thường quân từ khắp đất nước chung tay.
“Thời gian đầu mệ tích cóp tiền lãi bán hàng để gây quỹ rất khó khăn do công việc kinh doanh thất thường, khi đông khách, lúc lại chẳng có ai nhưng mãi những năm gần đây, qua mạng xã hội nhiều người biết tới mệ, họ đã chung tay cùng mệ giúp đỡ bệnh nhân ung thư.
Họ là những người đến từ các tỉnh xa như Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái… đủ 63 tỉnh, thành đều có người ủng hộ. Có hôm mệ Tuyết thấy một chiếc xe đi tới, đi lui, khi xe vừa dừng lại, người trong xe đó chạy tới ôm chầm lấy mệ từ phía sau và nói: “Mệ Tuyết đây rồi, người làm việc tốt mà con biết qua mạng đây rồi…”.
Bữa đó đoàn của họ mua một vài món quà lưu niệm nhỏ thôi nhưng lại đưa cho mệ một bì thư dày, mở ra là 11 triệu đồng và nhờ mệ gửi tới các hoàn cảnh khó khăn đang điều trị bệnh” - bà Tuyết chia sẻ.
Được mọi người ủng hộ bà Tuyết thấy vui bởi càng nhiều người làm thì sẽ có nhiều hoàn cảnh được giúp đỡ. Bà nói chừng nào ơn trên còn cho bà giúp đời, giúp người thì bà vẫn còn làm. “Mệ xin mọi người hãy thương lấy những hoàn cảnh khó khăn, hãy cùng mệ đồng hành trong việc gìn giữ những gì mệ đang ôm ấp giúp họ qua cơn khốn khó” - bà cụ ngoài 70 tuổi xúc động.
Cứ vậy, suốt tám năm qua, nhịp sống của mệ Tuyết hối hả mỗi ngày trong công việc thiện nguyện ấm áp, giống như việc bà san sẻ yêu thương bằng hộp sữa, gói bánh, bì thư thấm đượm nghĩa tình.•
Dành 55 triệu đồng/tháng phát quà cho người nghèo
Bảy năm trước, bà Tuyết mới chỉ giúp trẻ em mắc ung thư, mỗi lần đi phát quà nếu còn dư thì mới xuống khoa khác phát cho những trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, gần đây, nhờ có sự đồng hành của các nhà hảo tâm, ngoài giúp đỡ các bệnh nhi ung thư, bà cũng đã hỗ trợ được nhiều bệnh nhân ở trung tâm ung bướu người lớn. Hiện tại, cả bánh kẹo và tiền mặt bà cùng nhóm thiện nguyện phát là 55 triệu đồng/tháng.