Từ chiều và tối hôm nay, nhiều người dân sẽ bắt đầu hành trình về quê, đi du lịch dịp lễ 30-4 và 1-5. Theo đó, những tuyến cao tốc sẽ cũng tấp nập xe cộ đi lại.
Dưới đây là những kinh nghiệm, mẹo nhỏ được các tài xế chia sẻ để không bị nổ lốp hay gặp tai nạn trên cao tốc.
Bảo dưỡng, chăm sóc xe trước khi đi
Đây là việc thường xuyên được các chủ xe thực hiện trước mỗi chuyến đi dài nhưng không phải ai cũng nhớ để chăm sóc, bảo dưỡng xe. Đặc biệt, thời gian vừa qua nhiều chủ xe bị nổ lốp trên các tuyến cao tốc càng khiến cho nhiều người lo lắng hơn.
Do đó các chủ xe cần bảo dưỡng, chăm sóc xe về hệ truyền động (động cơ, hộp số, dẫn động...), những mục tài xế có thể tự kiểm tra gồm: đảm bảo lốp được bơm đủ hơi, đúng với khuyến cáo của nhà sản xuất được in trên khung cửa phía bên tài, phanh còn hoạt động tốt, bình nhiên liệu đủ để di chuyển hết hành trình, gương và kính không bẩn hoặc mờ, hệ thống đèn hoạt động đủ và đúng.
Một việc rất quan trọng khác mà nhiều tài xế thường quên là chuẩn bị đủ tiền trong thẻ thu phí tự động. Hiện hầu hết các cao tốc đều thu phí tự động, vì vậy các chủ xe cũng cần kiểm tra lại số dư để đảm bảo số tiền trong thẻ còn đủ với các trạm thu phí mình sẽ đi qua.
Tìm kiếm các trạm dừng nghỉ trước khi xuất phát
Một trong những vấn đề mà nhiều người quan tâm thời gian gần đây đó là các trạm dừng, nghỉ trên các tuyến cao tốc để xử lý các vấn đề cá nhân cũng như hư hỏng xe nếu có. Do đó, để đảm bảo chuyến đi vui vẻ và an toàn hơn, các chủ xe có thể tham khảo một số các kinh nghiệm trạm dừng chân mà PLO từng chia sẻ (tại đây).
Duy trì tốc độ và giữ khoảng cách an toàn
Trên cao tốc phải tuân thủ tốc độ tối thiểu, tối đa để đảm bảo an toàn, lưu thông liên tục và tránh các rủi ro khi va chạm.
Tài xế cần giữ khoảng cách an toàn với các xe phía trước. Khoảng cách mà các chuyên gia đưa ra là 3 giây với thời tiết tốt (khoảng 100 m), 6 giây với thời tiết xấu (khoảng 200 m). Trên các cao tốc có các bảng hiệu, vạch kẻ đường để giúp tài xế ước lượng khoảng cách.
Cao tốc cũng là đoạn đường có nhiều loại xe như xe khách, xe tải cỡ lớn… Khi gặp các xe kích thước lớn, chủ xe càng phải cần giữ khoảng cách xa hơn. Tránh việc chạy quá sát xe cỡ lớn ở phía trước, phía sau hoặc hai bên hông vì đôi khi có thể sẽ vào điểm đen, che khuất tầm nhìn của xe lớn.
Khi vượt xe, phải chú ý quan sát, đủ điều kiện an toàn mới báo hiệu hướng vượt bằng xi-nhan, tăng tốc vượt và vượt dứt khoát. Vượt xong phải giữ tốc độ để giữ khoảng cách với xe phía sau. Không đi song song xe khác cả một đoạn đường dài.
Những chiếc xe tải lớn hay container thường có trọng lượng lớn và phần gầm rất cao. Khi bị một chiếc xe đâm dồn từ phía sau với vận tốc lớn, quán tính sẽ đẩy chiếc xe ở giữa vào gầm của xe container nên rất nguy hiểm.
Các lưu ý về làn đường
Đường cao tốc là nơi lưu thông với tốc độ rất cao, tài xế không cho xe chuyển làn tùy tiện khi không cần thiết, không đi vào giữa vạch kẻ làn. Trước khi chuyển làn cần phải bật xi-nhan cảnh báo, chỉ chuyển làn khi đủ điều kiện an toàn, có nghĩa là không có xe đi quá sát phía sau.
Với những đoạn có ba làn đường trở lên thì phải chuyển từng làn một, khi đủ điều kiện an toàn mới chuyển làn tiếp theo.
Tài xế không được lái xe di chuyển ở làn dừng khẩn cấp. Đây là làn dành cho xe dừng khẩn cấp trong trường hợp gặp vấn đề về sức khỏe hoặc hỏng xe. Chỉ những xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ theo luật định, có tín hiệu còi, đèn ưu tiên mới được chạy ở làn này.
Nhập làn vào cao tốc và ra khỏi cao tốc
Thực tế di chuyển trên cao tốc thường được các chuyên gia nhận xét là khó hơn đường đô thị. Khi nhập làn trên cao tốc, tài xế cần quan sát kỹ, đảm bảo đường thông thoáng, không có xe trong điểm mù, sau đó dùng xi-nhan trái, và tăng tốc rồi đưa xe vào làn cần nhập.
Khi tách làn, thoát khỏi cao tốc, tài xế cần đưa xe sát về làn bên phải, lưu ý bật xi-nhan báo hiệu chuyển làn trong tình huống này và đổi từng làn một, không đổi một lúc hai làn liên tiếp nhau. Khi có biển báo hiệu giao thông thì cần giảm tốc độ và tách khỏi làn khi đã đến đoạn giao cắt, lưu ý không chen lấn, tạt đầu những xe đang chuẩn bị tách khỏi làn.