Metro Cát Linh - Hà Đông vận hành những ngày đầu mới đạt 16% sức chứa

Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) vừa có báo cáo nhanh kết quả vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Metro Cát Linh - Hà Đông) từ ngày 6 đến 16-11.

Cụ thể, qua 11 ngày vận hành, Metro Cát Linh - Hà Đông đã vận hành 1,742 chuyến với lượng hành khách vận chuyển đạt hơn 272 nghìn lượt khách. Tính bình quân mỗi chuyến tàu khoảng 156 lượt khách, đạt hơn 16% so với sức chứa theo thiết kế là 960 hành khách. 

Sắp hết thời gian miễn phí

Khách đi đông nhất là Chủ nhật, 7-11, tổng số hơn 54.000 người, tiếp đó là Thứ hai, 14-11, hơn 40.000. Các ngày còn lại, lượng hành khách dao động ở từ hơn 16.000 - 19.000 lượt/ngày. 

Người dân háo hức trải nghiệm Metro Cát Linh - Hà Đông (Ảnh Phi Hùng)

Hai ngày gần đây nhất, lượng khách ở mức 18.000-19000, bốn toa tàu nối thông nhau rất thưa vắng, vì bình quân chỉ chuyên chở 91-96 người/chuyến, ngót nghét 10% sức chứa của đoàn tàu.

Theo kế hoạch, Metro Cát Linh - Hà Đông sẽ tiếp tục phục vụ miễn phí người dân đến ngày 21-11, sau đó sẽ chính thức mở bán vé tàu.

Với vé chuyến thì tính giá theo chặng di chuyển, từ 8.000 đồng đến tối đa 15.000 đồng, nếu đi một lần dọc tuyến. Vé ngày là 30.000 đồng/ngày, không hạn chế lượt sử dụng. Vé tháng cho các đối tượng ưu tiên là 140.000 đồng/tháng so với khách thường là 200.000 đồng/tháng.

Trong 6 tháng đầu khai thác thương mại, các đoàn tàu phục vụ hành khách từ 5 giờ - 23 giờ hàng ngày, tần suất 10 phút/chuyế, lưu thông với vận tốc trung bình 35km/h, thời gian đi toàn tuyến hết hơn 23 phút.

Cần thêm hạ tầng kết nối

Trao đổi với PLO sáng ngày 17-11, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ, nguyên giám đốc Nhà Xuất bản GTVT đánh giá đây là loại hình giao thông công cộng văn minh, vận chuyển khối lượng hành khách lớn, tốc độ nhanh và góp phần giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, lượng hành khách của Metro Cát Linh - Hà Đông còn thấp, mật độ chưa cao, mới vận hành 10 phút/chuyến so với năng lực thiết kế 3-5 phút/chuyến. 

“Hành khách không thể đông ngay được vì còn phụ thuộc vào thói quen đi lại, lịch làm việc, các tiện ích kèm theo. Thói quen có thể phải xây dựng hàng năm” - ông nói.

Metro Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa chạy hết công suất do lượng hành khách vẫn chưa đông (Ảnh: Phi Hùng)

Mặc dù Sở GTVT Hà Nội đã rất cố gắng điều tiến các chuyến bus, bố trí các điểm đỗ xe… nhưng ông Thủy cho rằng cần đẩy đầu tư mạnh hơn cho các tiện ích như vậy thì mới tạo thêm sức hút cho Metro Cát Linh - Hà Đông, từ đó dẫn tới sự thay đổi thói quen giao thông của người dân.

“Thành phố cần rà soát, quy hoạch lại để bố trí các trạm xe bus, bố trí chỗ đỗ đón khách cho xe ôm, taxi, bãi gửi xe, xe đạp công công sử dụng công nghệ… để kết nối hành khách đi tàu. Từ đó tăng sức hút cho loại hình giao thông công cộng vận chuyển khối lượng lớn này” - ông chia sẻ.

Tại thời điểm này, Sở GTVT Hà Nội đã bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt dọc lộ trình tuyến Metro Cát Linh – Hà Đông, tạo thành 65 điểm dừng (2 chiều). Sau khi tổ chức lại, với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400m. 

Trong số này, 12 cặp điểm dừng được đặt trong khu 11 ga đường sắt đô thị trên cao, gồm: Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Thượng Đình, Phùng Khoang, Văn Quán, Hà Đông, Văn Khê, La Khê và Yên Nghĩa. 1 cặp điểm dừng cách ga vành đai 3 khoảng 200m và 40 điểm dừng giữa 2 nhà ga để tăng cường kết nối.

Thành phố cũng bổ sung 14 nhà chờ xe buýt, nâng tổng số điểm dừng, đón khách mái che lên 28.

Tổng cộng có 55 tuyến xe bus trong thành phố có kết nối với Metro Cát Linh - Hà Đông. Ga đầu Cát Linh và ga cuối Yên Nghĩa nối 16 tuyến buýt, các khác bố trí ít nhất 7 tuyến.

Chính quyền Thủ đô cũng đã giao Sở GTVT phối hợp với các quận liên quan khảo sát, bố trí các điểm trông giữ xe để phục vụ hành khách đi tàu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới