Mục tiêu của kiểm toán tại dự án xác định tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính dự án. Đồng thời đánh giá việc tuân thủ pháp luật, chế độ quản lý đầu tư xây dựng, tài chính, kế toán của Nhà nước và các quy định của hiệp định vay vốn.
Bên cạnh đó, đoàn kiểm toán sẽ đánh giá tính kinh tế trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư, phát hiện những tồn tại, bất cập trong cơ chế, chính sách để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí, sai phạm trong quá trình thực hiện và xác định trách nhiệm cá nhân, tập thể để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Dự án Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Ảnh: VIẾT LONG
Nội dung kiểm toán bao gồm nguồn vốn đầu tư, chi phí đầu tư; việc tuân thủ pháp luật, chế độ quản lý đầu tư xây dựng, tài chính, kế toán và các chính sách pháp luật có liên quan kể từ khi triển khai dự án đến ngày 30-6-2018. Thời hạn kiểm toán là 60 ngày, bắt đầu từ ngày công bố.
Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào năm 2008 với tổng mức đầu tư ban đầu là 552,86 triệu USD. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD. Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD).
Dự án có chiều dài 13 km với 13 đoàn tàu, do Công ty TNHH Trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) chế tạo. Mỗi đoàn tàu có bốn toa xe với tổng chiều dài 79 m, trong đó toa đầu dài 20 m, toa giữa dài 19,5 m.
Tốc độ thiết kế tối đa của đoàn tàu là 80 km/giờ, tốc độ khai thác trung bình lớn hơn hoặc bằng 35 km/giờ, sức chở khoảng 960 người, tối đa 1.326 người. Dự kiến khi đi vào khai thác ở giai đoạn đầu, tần suất chạy tàu 5-6 phút/chuyến, về sau sẽ nâng lên 2-3 phút/chuyến, mỗi giờ vận chuyển tối đa được 28.500 hành khách. Thời hạn hoàn thành của dự án được ấn định lại là cuối tháng 12-2018.