‘Metro phát triển mạnh vẫn cần hạn chế xe cá nhân’

Các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp đến từ Thụy Điển đã giới thiệu, chia sẻ các kinh nghiệm phát triển giao thông công cộng theo các tiêu chí: sạch (giảm phát thải, ô nhiễm), an toàn và giảm ùn tắc, thuận lợi và thân thiện với người dân…

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Erik Bromander, Thứ trưởng Bộ Giao thông và Cơ sở hạ tầng Thụy Điển, cho biết tại quốc gia này dù hệ thống metro, xe buýt nhanh (BRT) và xe buýt thường… đã phát triển mạnh nhưng nhà nước vẫn áp dụng chính sách hạn chế xe cá nhân lưu thông vào các trung tâm đô thị giờ cao điểm (như cho lưu thông ngày chẵn, lẻ, lưu thông có thu phí theo từng thời điểm…). “Khi xây dựng các đô thị mới chúng ta cần tính trước về giao thông đô thị, vận chuyển hành khách công cộng. Nếu để hai vấn đề này chỉ được tính đến sau khi đô thị đã hình thành thì việc khắc phục, thay đổi thói quen đi lại, sử dụng xe cá nhân là rất khó!” - ông Erik Bromander nói.

Pháp Luật TP.HCM đặt vấn đề TP.HCM đang phát triển, mở rộng trên nền đô thị cũ với khu lõi 390 ha của Sài Gòn là trung tâm và các đô thị vệ tinh ngày thêm nhiều thì giao thông, vận chuyển hành khách công cộng nên như thế nào.

Ông Erik Bromander cho rằng mỗi quốc gia, TP có chính sách, đặc thù phát triển GTVT riêng nhưng đều dựa trên các yếu tố nền là: kinh tế-xã hội-văn hóa-thói quen của cư dân và cả yếu tố địa lý, địa chất… Chính vì vậy  dịp này đoàn công tác Thụy Điển đến TP.HCM không chỉ có đại diện các tập đoàn chuyên về kỹ thuật sản xuất xe buýt (Scania & Volvo), quản lý, điều hành vận tải hành khách công cộng (Axis C - về giám sát, Kapsch TraffiicCom - về giải pháp thu phí) mà còn cả các hãng chuyên về thông tin điện tử, Internet như Ericsson, Icomera… “Xây dựng hệ thống metro, BRT, buýt… tích hợp, liên thông và vận hành, quản lý thống nhất là điều chúng tôi muốn chia sẻ và hợp tác cùng TP.HCM!” - ông Erik Bromander cho biết.

L.ĐỨC - H.TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm