'Miễn trách nhiệm hình sự cho ông Danh' và lợi ích xã hội

(PLO)- Bản án tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Nguyễn Thành Danh nhận được sự đồng tình của nhân dân và gây xúc động cho xã hội vì nó phục vụ phát triển.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phiên tòa sơ thẩm vụ Việt Á kết thúc, cựu giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh được miễn trách nhiệm hình sự. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại hội nghị về đầu tư công của TP.HCM hôm 13-1 nhìn nhận bản án dành cho ông Danh là công bằng, hợp lý, đúng tinh thần khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Bí thư Nguyễn Văn Nên nhận xét: Đúng là ông Danh đã làm sai so với quy định pháp luật nhưng động cơ đằng sau những sai phạm ấy là để cứu người trong bối cảnh cấp thiết lúc đại dịch COVID-19 và bản thân ông Danh không vụ lợi.

Dù có thể xin nghỉ chế độ nhưng khi được yêu cầu, ông Danh đã không quản ngại tiếp tục ở lại trong những ngày dầu sôi lửa bỏng, cùng địa phương chống dịch.

Bản thân ông Danh cũng biết hành vi của mình là sai so với quy định về đấu thầu hiện hành, có thể bị xử lý nhưng trong hoàn cảnh ấy, ông Danh vẫn lựa chọn dám làm và nhận trách nhiệm. Có thể thấy tính nguyên tắc đạo đức của ông khi từ chối nhận “quà” từ Việt Á và nhiều lần cảnh báo cấp dưới tránh sai phạm trong quá trình chống dịch.

HĐXX đã cân nhắc rất kỹ trước khi nhận định ông Danh - một bị cáo - là người “dám nghĩ, dám làm”.

Câu chuyện của cựu giám đốc CDC Bình Dương trong đại án kit test Việt Á cho thấy “làm sai” với cái tâm trong sáng, vì lợi ích chung trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng… có thể được luật pháp bảo vệ, đúng như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

miễn trách nhiệm hình sự
Cựu giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh. Ảnh: CTV

Tháng 9-2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đúng hai năm sau, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2023, được xem là văn bản pháp luật hiện thực hóa chi tiết tinh thần của Kết luận số 14.

Nghị định 73 làm rõ nội hàm “dám nghĩ, dám làm” là: Những cán bộ có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Nghị định này cũng nêu rõ các cơ chế bảo vệ họ khi quy định: Cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Hay: Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 nghị định này thì không bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan.

Rõ ràng, Nghị định 73 là công cụ pháp lý quan trọng bảo vệ những người thực hiện những việc chưa có quy định với “động cơ trong sáng, vì lợi ích chung” mà đích đến là tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách để phát triển. Hiện Chính phủ cũng đã công bố dự thảo và chờ lấy ý kiến của công chúng đối với Bộ Quy tắc đạo đức công vụ do Bộ Nội vụ đề xuất. Bộ quy tắc này nêu các chuẩn mực đạo đức đối với cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có tính chính trực, liêm chính; tính khách quan, công bằng, bình đẳng; sự đúng mực, tính thận trọng; sự tận tụy và kịp thời; năng lực và sự chuyên cần.

Ngay trong quá trình xử lý vụ Việt Á, Đảng ta cũng đã lường trước những điều này. Hơn một năm trước, Bộ Chính trị đã có kết luận phân hóa xử lý về mặt kỷ luật Đảng. Còn về xử lý pháp luật, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng có Thông báo số 134 (ngày 10-1-2023) về đường lối phân hóa xử lý đối với các đối tượng vi phạm pháp luật trong vụ Việt Á.

Theo Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học: “Các cơ quan chức năng sẽ dựa vào đường lối xử lý để có sự phân hóa, đối tượng nào xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, đối tượng nào thực hiện theo chính sách giảm nhẹ hoặc không xử lý”.

Nhu cầu phân hóa tội phạm dựa trên mức độ nguy hiểm của hành vi (dù đã cấu thành tội phạm) cũng được đề cập trong BLHS 2015 khi khoản 2 Điều 8 của bộ luật này quy định: Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác. Trường hợp ông Danh thì ở mức khác, dù xác định là có hành vi tội phạm nhưng tòa đã tuyên một bản án không có sự trừng phạt.

Câu chuyện của cựu giám đốc CDC Bình Dương trong đại án kit test Việt Á cho thấy “làm sai” với cái tâm trong sáng, vì lợi ích chung trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng… có thể được luật pháp bảo vệ, đúng như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hồi cuối năm 2021. Phải chủ động xử lý nghiêm những hành vi suy thoái, tiêu cực nhưng không cực đoan, tạo hệ sinh thái để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hăng hái tiến về phía trước chứ không phải lùi lại để khỏi bị khuyết điểm.

Nghĩa là tận cùng của việc áp dụng và thực thi pháp luật đều sẽ hướng tới sự “công bằng” - tức không phải “cào bằng” tất cả hành vi vi phạm, mà phải xem xét nhiều yếu tố khách quan, chủ quan như bối cảnh, động cơ… để có thể đánh giá đúng người vi phạm. Các quy định pháp luật được hiểu là công cụ bảo vệ người làm đúng. Thế nhưng “có làm sẽ khó tránh khỏi có sai”. Trong bối cảnh đất nước đang đứng trước những cơ hội lẫn thử thách chưa có tiền lệ đòi hỏi những cải cách quan trọng, đồng thời các văn bản pháp luật có nhiều đến mấy cũng khó có thể theo kịp thực tiễn thì việc cán bộ “làm sai” như ông Danh sẽ còn xảy ra.

Nhìn nhận rõ sự việc, con người, phân hóa trách nhiệm pháp lý để xử lý công bằng là một nhu cầu. Nhu cầu ấy nay đã được khẳng định bằng chủ trương của Đảng, bằng sự ra đời và hoàn thiện công cụ pháp lý và bằng sự cân nhắc, vận dụng của cơ quan tố tụng. Mà bản án tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Nguyễn Thành Danh là một ví dụ. Nó được sự đồng tình của nhân dân và gây xúc động cho xã hội vì nó phục vụ phát triển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm